Tiền xử lý nợ xấu lấy từ đâu?

Tiền xử lý nợ xấu lấy từ đâu?
TP - Điểm mấu chốt quyết định sự phát triển của kinh tế Việt Nam năm 2013 là có xử lý được nợ xấu hay không. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ nguồn tiền xử lý nợ xấu lấy từ đâu. Một số chuyên gia cho rằng, để xử lý nợ xấu hàng trăm ngàn tỷ, Việt Nam có thể tận dụng các nguồn tiền vay từ bên ngoài.

> Chính phủ yêu cầu hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu
> Những thương hiệu Việt bị xóa sổ năm qua
> Dự báo kinh tế năm 2013: 'Thoát đáy, vượt dốc đi lên'

Phải làm rõ tổng nợ xấu

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các khoản nợ xấu được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tính đến tháng 10-2012 cỡ 250.000 tỷ đồng, tương ứng 8% dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, con số mới nhất mà ông được biết thì nợ xấu ngân hàng tới 400.000 tỷ đồng.

Ông Thiên bày tỏ sự băn khoăn đến nay chưa có con số nợ xấu chính xác của toàn quốc gia, nên bức tranh nợ xấu chưa biết mức độ sáng tối thế nào.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, riêng nợ liên quan bất động sản khoảng trên 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu chưa được bóc tách nhưng chắc chắn không hề nhỏ.

Nợ xấu trong xây dựng cơ bản đang là vấn đề nhức đầu với doanh nghiệp hiện nay.

Đến hết năm 2011, số tiền nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các chính quyền địa phương nợ doanh nghiệp lên tới 91.273 tỷ đồng. Xét theo tiêu chí chính thì nợ của các địa phương là rất lớn, chưa biết khi nào mới trả được. Vì phần lớn các tỉnh hiện nay vẫn thu không đủ chi.

Tổng nợ xấu thương mại giữa các doanh nghiệp đến nay là bao nhiêu và liên quan đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng thế nào, hiện không có cơ quan nào thống kê và đưa ra.

Chỉ tính riêng khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2011, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng, nhưng bao nhiêu trong số này là nợ xấu vẫn đang là ẩn số.

Trao đổi với báo chí ngày 27-12, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra giám sát, NHNN, thừa nhận, hiện nợ xấu ở mức đủ lớn, làm ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự an toàn hệ thống.

Vì vậy cần phải xử lý nhanh. Xử lý nợ xấu chỉ có 2 cách. Một là tăng dự phòng, tăng tài sản đảm bảo. Hai là tích cực tái cơ cấu lại các khoản nợ xấu, thu hồi, cố gắng kìm hãm sự gia tăng nợ xấu.

“Để kiềm chế gia tăng nợ xấu, NHNN đã có Quyết định 780 cho phép các tổ chức tín dụng được phép giữ nguyên nhóm nợ nếu xét thấy khách hàng cơ cấu lại vẫn có thể phát triển tốt. Cùng với đó cũng cho phép các tổ chức tín dụng dùng dự phòng rủi ro để tự xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản đảm bảo thu hồi”- ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, cách mà ông Nghĩa đưa ra chủ yếu mới giải quyết được vấn đề nội tại của ngân hàng, nhằm tránh rủi ro hệ thống, còn chưa có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp. Vì nợ xấu của DN không xử lý được thì không thể vay vốn mới.

Vay vốn ngoại để xử lý?

Như vậy, để xử lý tổng thể nợ xấu, Việt Nam cần có hàng chục tỷ USD. Trong buổi gặp gỡ báo chí cuối năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận chưa biết nguồn tiền xử lý nợ xấu lấy ở đâu, trong khi vẫn buộc phải giải bài toán này.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề xử lý nợ phụ thuộc vào việc làm rõ khối nợ xấu cơ cấu thế nào, hiện trạng ra sao. Chừng nào không làm rõ nguyên nhân vì sao nợ xấu lớn như vậy thì sẽ không thể xử lý được, dù chúng ta có đi học kinh nghiệm ở nước ngoài.

Ngay trong việc xác định nợ xấu, ngoài số nợ đã xuất hiện, cần tính tới cả nợ đã được giãn, hoãn và đảo nợ để xác định được các rủi ro tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề.

Theo TS Trần Đình Thiên, để xử lý các khoản nợ xấu, có thể tính đến những khoản hỗ trợ tài chính từ các tổ chức bên ngoài vì càng để lâu chi phí xử lý càng tăng cao.

“Ngay cả việc lập công ty xử lý nợ xấu cũng còn lâu mới thực hiện được do phải có thủ tục, phải được Quốc hội đồng ý, phải có kế hoạch thực hiện xử lý nợ xấu… trong khi hiện nay chưa có gì thực hiện được.

Nếu định tái cơ cấu thì phải trả lời được câu hỏi tiền ở đâu. Riêng với ngành ngân hàng ở Việt Nam ước tính phải mất 5 tỷ USD để thực hiện tái cơ cấu”- ông Thiên nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng phải ưu tiên thực hiện tái cấu trúc nợ của các tập đoàn, tổng công ty song hành cùng với việc tái cấu trúc, xử lý nợ của ngành ngân hàng, dù biết rằng đây là việc rất khó khăn do đòi hỏi có nguồn lực rất lớn về tài chính.

Theo TS Doanh, để giải quyết nợ xấu, cũng có thể “cầu viện“ đến sự hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn tiền từ bên ngoài, từ các tổ chức quốc tế để thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hiện nay.

Việc đi vay các nguồn vốn bên ngoài để thực hiện việc tái cấu trúc là cần thiết do các tổ chức quốc tế cũng quan tâm đến việc này. Họ cũng có thể có sự hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.

Việc Việt Nam mới đây vay Ngân hàng Thế giới (WB) 300 triệu USD để thực hiện tái cấu trúc các DNNN là số tiền lớn nhưng so với số nợ của các đơn vị hiện nay vẫn quá nhỏ, chưa thể giải quyết được hết các vấn đề. Đặc biệt, không thể tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nếu không giải quyết được "núi nợ" hiện nay.

Tại hội nghị bàn tròn về Dò đáy khủng hoảng kinh tế năm 2013 cuối tuần qua, TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, hiện nợ tồn đọng ở Việt Nam có 3 loại: Trong sản xuất kinh doanh, trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản.

Các khoản nợ này không những liên quan tới tiền mà còn liên quan tới chính sách của từng địa phương, các hình thái nợ và tính pháp lý. Hiện nay bước làm đầu tiên là phải minh bạch để xử lý trong từng vấn đề. “Tiền không thiếu, vấn đề là ý tưởng, lòng tin, minh bạch và chính sách nhất quán.

Tôi tin nếu giải quyết được những điều này chúng ta có thể giải quyết được vấn đề nguồn vốn: Có lẽ là từ các ngân hàng, từ các doanh nghiệp và từ các tổ chức tài chính quốc tế...

Ngoài ra, chính sách phải nhất quán và thực sự bắt tay vào công cuộc cải cách nền kinh tế (bên cạnh xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém thì phải điều chỉnh cả khu vực DNNN, đầu tư công)” - ông Thành nói.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, trong năm 2013, NHNN sẽ đưa ra khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản ngay trong quý 2 và quý 3 năm 2013.

Đồng thời sẵn sàng cung ứng khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà với lãi suất hợp lý khoảng 8% trong thời hạn 5-10 năm và sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án phục vụ mục đích này...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.