Trong cuộc gặp gỡ với báo chí cuối tuần qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức xác nhận Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank), Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) trong diện tái cơ cấu từ nay đến hết năm 2012.
NHNN cho hay, sở dĩ các ngân hàng thương mại trên lọt vào danh sách tái cơ cấu, bởi tình hình thanh khoản yếu kém. Dù theo báo cáo của các ngân hàng này, nợ xấu chỉ trên dưới 2%, song theo kiểm tra của thanh tra NHNN và kiểm toán độc lập, nợ xấu của các ngân hàng này lên tới hàng chục phần trăm, cá biệt có ngân hàng nợ xấu lên tới 60%, mất cả vốn điều lệ.
Đại diện NHNN khẳng định, hiện 4 ngân hàng trên chưa đưa ra được phương án tái cấu trúc tối ưu, song sẽ phải tái cấu trúc trúc trong năm 2012. Bên cạnh đó, NHNN cũng thông báo, sẽ trình Chính phủ Đề án thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia vào ngày 15-11. Đây là những bước đi đồng bộ để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, ngoài 4 ngân hàng trong diện tái cơ cấu trên, một thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa hai ngân hàng tại khu vực phía Nam đã gần như hoàn tất, dù hai ngân hàng này không nằm trong diện tái cấu trúc. Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đang tích cực tìm hiểu lẫn nhau và được NHNN khuyến khích. Như vậy, từ nay đến cuối năm, sẽ có hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng.
Đáng lưu ý là, dù NHNN công bố danh tính các ngân hàng trong diện sắp tái cấu trúc, song thị trường đón nhận một cách bình tĩnh, bởi lộ trình tái cơ cấu ngân hàng đã được NHNN đưa ra từ trước. Hơn nữa, Thống đốc NHNN đã đảm bảo không để ngân hàng nào đổ vỡ, tạo niềm tin cho người dân.
Khám sức khỏe, soi phương án tái cơ cấu ngân hàng
Điểm chung của 4 ngân hàng trong diện tái cơ cấu trên là tính minh bạch thông tin rất thấp. Dù vậy, phương án tái cấu trúc của Western Bank và Navibank đã phần nào rõ ràng.
Navibank là ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2012 sớm nhất trong số 4 ngân hàng trên. Theo kết quả kinh doanh quý 2-2012 mà ngân hàng này công bố, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm ngày 30-6 là 3,14%. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 91,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2011.
Đặc biệt, tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 3/6, ông Đặng Thành Tâm, thành viên thường trực HĐQT Navibank khẳng định, Navibank sẽ sử dụng nội lực, cụ thể là nguồn lợi nhuận chưa phân phối, để tự tái cấu trúc, củng cố tài sản đảm bảo và tăng cường năng lực tài chính.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng khẳng định, NHNN cho phép Navibank tự tái cấu trúc bằng chính nguồn lực của mình và không cần phải sáp nhập với ngân hàng nào khác.
Với Western Bank, hoạt động của ngân hàng này tiềm ẩn rủi ro rất lớn do dành quá nhiều vốn vay cho các cổ đông nội bộ và công ty sân sau. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 đã được kiểm toán của Western Bank cho thấy, năm 2011, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này lên tới 123,5%. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng này khá khiêm tốn, suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân chỉ đạt 4,84%.
Về phương án tái cơ cấu, giới phân tích cho rằng, gần như chắc chắn Western Bank sẽ hợp nhất với Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC), như dư luận đồn đoán thời gian qua. Phương án tái cơ cấu Western Bank có thể sẽ được đưa ra tại đại hội cổ đông của ngân hàng này, dự kiến diễn ra trong tháng 11 hoặc tháng 12 tới.
Trong khi đó, thông tin về GP.Bank và Trustbank lại rất hiếm hoi trên thị trường. Với GP.Bank, sau 7 năm thành lập, GP.Bank vẫn là một ngân hàng quy mô nhỏ. Không thông tin nào về kết quả hoạt động cũng như cơ cấu cổ đông được công bố công khai, ngoại trừ báo cáo thường niên năm 2010. Theo báo cáo này, tỷ lệ nợ xấu trong năm 2010 của GP.Bank chỉ 1,83%. Tuy nhiên, do không minh bạch, nên không thể khẳng định, đây có phải là số liệu chính xác hay không.
Với TrustBank, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 đã được kiểm toán của ngân hàng này cũng không mấy khả quan: lợi nhuận sau thuế gần 164 tỷ đồng, nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 lên tới gần 200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông tính đến ngày 31-12-2011 của ngân hàng này cũng khá “đậm đặc”: Công ty cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương (11%), Công ty cổ phân Chứng khoán Đại Việt (10,52%), Công ty cổ phần Địa ốc Lam Giang (11%), Công ty TNHH Phú Mỹ (10%), Công ty cổ phần Phú Mỹ (9,5%), Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (6%)…
Theo đánh giá của giới phân tích, với tình hình hiện tại, GP.Bank và Trustbank khó có khả năng tự tái cấu trúc, mà sẽ phải lựa chọn phương án hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác.
Theo baodautu.vn