Vì sao hàng Việt giá cao?

Vì sao hàng Việt giá cao?
TP - Tại hội thảo “Hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại: Cần một chiến lược lâu dài” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18-9, Tổng Giám đốc Saigon Coop, bà Nguyễn Thị Hạnh thừa nhận thực tế hàng Việt Nam ngày càng khó cạnh tranh vì giá thành đắt hơn đồ Trung Quốc.

> Cáp điện Trần Phú “ra đòn” giữ thương hiệu!

Kênh phân phối yếu, chi phí quảng cáo đắt đỏ cũng là những nguyên nhân đẩy giá hàng nội lên cao. Thực tế có trường hợp sản phẩm giá thành 3 đồng nhưng doanh nghiệp (DN) buộc phải bán 10 đồng vì chi phí quảng cáo chiếm tới một phần ba.

Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc chuỗi siêu thị Fivimart, bà Vũ Thị Hậu cho rằng, để bán hàng là các DN sản xuất cần cắt giảm chi phí phát sinh qua các khâu trung gian phân phối, đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ hiện đại đến tay người tiêu dùng.

“Hiện các nhà sản xuất lớn thường chọn cho mình đại lý cấp 1, cấp 2 là nhà phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường mà không lấy hệ thống siêu thị là nhà phân phối nên siêu thị phải lấy hàng từ đại lý cấp 1.

Vì vậy, giá bán ra của siêu thị vô tình đã phải cộng thêm lãi của đại lý cấp 1 dẫn đến giá bán ra từ siêu thị sẽ bị cao”, bà Hậu nói.

Chưa kể, theo bà Hậu, 30 giây quảng cáo trên truyền hình đã lên tới 70 triệu, tương đương với hàng tấn thanh long thì không phải DN nào cũng chịu được.

Bộ Công Thương cần can thiệp vào việc tính giá quảng cáo riêng, ưu tiên cho hàng Việt bằng cách giảm giá quảng cáo hàng Việt, tăng giá quảng cáo hàng nhập khẩu để góp phần làm giảm giá thành sản phẩm.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, điểm yếu trong đa số lĩnh vực sản xuất hàng hoá phục vụ cho bán lẻ chính là tính liên kết giữa các DN Việt Nam trong cùng lĩnh vực cũng như khác lĩnh vực (nhà sản xuất – nhà phân phối) chưa cao, khả năng cung ứng, tiêu thụ hàng hoá của nhau bị hạn chế. Việc đầu tư tạo vùng hàng hoá ổn định cũng còn rất yếu, vì vậy sự chủ động trong cung ứng hàng hóa bị hạn chế dẫn đến giá cả không ổn định.

Vẫn còn tình trạng một số DN lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG