> Cứu chứng khoán bằng Quỹ hưu trí tự nguyện?
Phiên giao dịch buổi chiều đầu tiên thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư (Ảnh chụp đầu giờ phiên giao dịch buổi chiều tại Công ty chứng khoán Kim eng, TPHCM). |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Cty CP quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho biết:
“Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay có nhiều tập đoàn với hàng nghìn nhân viên đồng ý đưa quỹ hưu trí vào đầu tư. Nếu Bộ Tài chính có chính sách cho phép các công ty quản lý quỹ được quản lý nguồn quỹ hưu trí, thì chỉ cần 10% quỹ này cũng đủ kích thích nguồn vốn cho thị trường chứng khoán. Ở nhiều nước, các công ty quản lý quỹ nắm tới 60 – 70% nguồn quỹ hưu trí này”.
Theo ông Tân, việc quỹ mở tiếp cận với nguồn tiền từ bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ có hai cách. Thứ nhất thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện (hay còn gọi là bổ sung) trên cơ sở các doanh nghiệp, tổ chức “tự nguyện” đóng góp thêm nguồn tiền sau đó được sử dụng vào mục đích kinh doanh nhằm chia lợi tức, đảm bảo cho CBCNV của mình một khoản thu nhập về hưu sau này cao hơn mức lương hưu hiện tại.
Bên cạnh đó, trích 5-10% tổng nguồn tiền kết dư 1.800 tỷ đồng của BHXH ra để các công ty quản lý quỹ sử dụng mục đích kinh doanh. Tinh thần của Đề án BHXH, mỗi người lao động có thể đóng bảo hiểm ở mức tối đa 10 triệu đồng/năm.
Nhưng có những DN và người lao động muốn đóng bảo hiểm năm ở mức cao là 14 triệu đồng/năm để về sau nhận mức lương cao hơn. Tuy nhiên, BHXH cũng không thể nhận mức này vì sợ với cách chi trả hiện tại, sẽ dẫn đến “vỡ quỹ”. Việc thành lập một Quỹ hưu trí bổ sung sẽ hướng tới mục tiêu tạo thêm doanh thu và thêm một phần lương cho những người đóng tiền vào Quỹ.
Sử dụng Quỹ hưu trí bổ sung trở thành nguồn cho quỹ mở để kinh doanh chứng khoán, liệu có rủi ro? Theo ông Tân, để bắt đầu, quỹ mở sẽ có trách nhiệm ký hợp đồng với từng công ty mà mục tiêu là đảm bảo an toàn vốn, phù hợp năng lực tăng trưởng. Nguồn đầu tư chủ yếu của quỹ mở sẽ là chứng khoán, giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có uy tín.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCKNN nhận xét: Quỹ mở là nền tảng cơ bản để các tổ chức tài chính hình thành các công cụ đầu tư khác nhau nhằm thu hút nhà đầu tư. Một loạt hình thức quỹ khác có thể ra đời như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, các sản phẩm bảo hiểm liên kết, thậm chí cả quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ tiền tệ…
“Khung pháp lý này sẽ góp phần giải quyết một loạt các lĩnh vực, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, kéo theo khu vực bảo hiểm và an sinh xã hội cũng phát triển theo”- ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cũng cho hay, UBCKNN hoàn toàn ủng hộ việc thành lập quỹ này, vì đây là mô hình rất phổ biến trên thế giới.
Chưa phải thời điểm
Được biết, Bộ LĐTB&XH cũng đang nghiên cứu, xây dựng Quỹ hưu trí bổ sung nhằm hỗ trợ, đảm bảo đời sống người lao động sau khi về hưu.
“Nếu dòng tiền để tại Bảo hiểm xã hội không phát huy được hiệu quả thì việc dành một phần cho DN sử dụng tái đầu tư là rất nên. Hiện, Bộ trưởng Tài chính đã giao cho Vụ Tài chính ngân hàng làm chủ đề án này. Tới đây, đơn vị này này sẽ có những chuẩn bị...”. - Ông Nguyễn Sơn -Vụ trưởng vụ Phát triển thị trường. |
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, chỉ trong ít năm nữa khi số lượng người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người, BHXH sẽ không có khả năng chi trả và ngân sách sẽ phải bù quá lớn.
Trong khi hệ thống hưu trí hiện hành ở Việt Nam là một hệ thống đơn lẻ, lương hưu là thu nhập duy nhất của số đông người nghỉ hưu nên đời sống vẫn khó khăn.
Quỹ hỗ trợ hưu trí đã được ap dụng thành công tại châu Âu trong nhiều năm. Tại Việt Nam nó vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Vì vậy Bộ LĐ - TB&XH đã làm cuộc điều tra thực hiện tại Hà Nội và TPHCM với 65.424 lao động tại 122 doanh nghiệp (DN) nhà nước, 108.408 lao động tại 286 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 31.075 lao động tại 197 DN ngoài quốc doanh. Kết quả cho thấy, trong tổng số 610 DN có 429 DN cho biết sẵn sàng tham gia quỹ hưu trí bổ sung, chiếm 70,33%.
Một chuyên gia về bảo hiểm xã hội cho biết, ở Việt Nam, nếu dùng quỹ hưu trí để đầu tư vào chứng khoán là việc làm quá mạo hiểm. Vì thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phát triển đồng bộ, còn phập phù. Lãi suất trên thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, không quản lý nổi.
“Tại Việt Nam, quỹ BHXH hiện chủ yếu chỉ cho ngân sách vay và phát hành trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, phần trăm ít còn lại cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước vay. Còn việc nếu lấy phần trăm của quỹ để đầu tư vào chứng khoán thì chắc chắn Chính phủ sẽ phải có cuộc họp với các bộ ngành liên quan” - vị chuyên gia này nói.