>>Chú trọng phát triển cá tra
>>Tìm 'thuốc' nâng cao chất lượng thủy sản
Thu hoạch cá tra nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP ở Cty Việt An (An Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Nuôi vẫn khó khăn
Bộ trưởng Cao Đức Phát phân tích: Diện tích và sản lượng cá tra ở ĐBSCL tương đương các năm 2007-2008, trong lúc thị trường tiêu thụ cá tra được mở rộng hơn, mối liên kết giữa nuôi và chế biến đã gắn bó đáng kể. Thế nhưng, giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm, so với cùng kỳ năm 2009, lượng tăng 19,4% nhưng trị giá chỉ tăng 11,6%, vì giá cá xuất khẩu trung bình giảm từ 2,28 USD/kg xuống còn 2,13 USD/kg.
Lợi nhuận của cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thấp có một phần nguyên nhân là 200 đơn vị xuất khẩu trong nước cạnh tranh nhau. Sản xuất và chế biến xuất khẩu cá tra như đang gia công cho nước ngoài, nhập thức ăn và thuốc thú y về gia công con cá, vận chuyển đi bán để cho nước ngoài kiếm lời, trong nước gánh thêm ô nhiễm môi trường.
Diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL, tính đến hết tháng 6-2010, đã thả 3.749ha, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2009. Nuôi quy mô lớn (từ 10ha trở lên) tăng mạnh, và giảm hộ nuôi nhỏ lẻ, điển hình TP Cần Thơ nuôi nhỏ lẻ giảm 40%, nuôi quy mô lớn tăng 15%. So với cuộc khủng hoảng thừa cá tra cách nay 2 năm, do nuôi và chế biến không gặp nhau, thì nay tình hình đã khác nhiều. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu dao động 14.000 - 18.500 đồng/kg, trong lúc giá thành là 14.000 – 16.000 đ/kg, người nuôi cá tra có lúc bị lỗ.
Chế biến gắn với thị trường
Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại hội nghị cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp tự xây dựng thị trường, thương hiệu riêng, mà chưa quan tâm thương hiệu chung của cá tra Việt Nam. Một số doanh nghiệp tranh giành thị trường bằng cách tự hạ giá sản phẩm, làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 248.834 tấn cá tra, trị giá 533 triệu USD. Thị trường EU vẫn chiếm tỷ trọng lớn, 35,3% về lượng; thị trường Mỹ đạt 16.800 tấn, trị giá 52,8 triệu USD. |
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, phải nâng cao hiệu quả sản xuất và chế biến cá tra bằng cách nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, ĐBSCL vẫn duy trì sản lượng cá tra nguyên liệu 1,2 - 1,3 triệu tấn. Hỗ trợ nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn nông nghiệp sạch có giá trị toàn cầu) và ủng hộ các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thuận đề ra giá sàn khi xuất vào một số thị trường chính để bảo vệ uy tín sản phẩm, đảm bảo cho doanh nghiệp có lợi nhuận cao.
Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận và nhấn mạnh: “Dù có người mua thì cũng không bán cá tra chất lượng thấp. Người nuôi và chế biến đã gặp nhau, nay chế biến và thị trường phải gặp nhau để thoát tình trạng làm gia công cho nước ngoài, phát triển lợi thế cá tra của nước ta”.