Lại nóng bỏng chuyện ông Hoàng Kiều

Lại nóng bỏng chuyện ông Hoàng Kiều
 Ông Hoàng Kiều, người được tiếng mang Cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 (HHTG) về Việt Nam ... không thành, giờ đang là nhân vật được quan tâm bởi thương vụ ông Hoàng Kiều thâu tóm Cty CP du lịch Tiền Giang ở thời gian ông định chuyển cuộc thi HHTG 2010 từ Nha Trang về Tiền Giang.

>>Khánh Hòa xin không tổ chức Hoa hậu Thế giới 2010

Cách đây nửa năm, dư luận cả nước xôn xao trước việc ông Hoàng Kiều - Chủ tịch HĐQT Công ty RAAS - gửi công văn đến UBND tỉnh Khánh Hoà về việc chuyển địa điểm chung kết Hoa hậu Thế giới (HHTG) 2010 từ Nha Trang về Tiền Giang. Việc ấy đã không thành, cuộc thi HHTG 2010 cũng không đến Việt Nam. Mới đây, vụ việc trên lại làm dư luận tỉnh Tiền Giang nóng lên, nhưng ở khía cạnh khác.

Nhiều bất ngờ từ cuộc thi HHTG 2010

Sau khi gửi công văn thông báo đến UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Hoàng Kiều đã tổ chức cuộc họp ở Tiền Giang để thông báo về việc TP.Mỹ Tho và cù lao Thới Sơn chuẩn bị đón cuộc thi HHTG.

Qua cuộc họp ấy, nhiều người bất ngờ khi biết được rằng ông đã là Chủ tịch HĐQT Cty CP du lịch Tiền Giang (Cty CPDLTG). Thông tin cũng cho biết rằng, vào tháng 3.2009, phần vốn của Nhà nước còn lại trong Cty CPDLTG chiếm 30% tổng số cổ phần trong DN (210.000 cổ phần, tương đương 2,1 tỉ đồng) đã được ông Hoàng Kiều mua hết với giá 36.000 đồng/cổ phần, tổng cộng 7,56 tỉ đồng. Cùng với số cổ phần đã mua gom trước đó, ông Hoàng Kiều trở thành cổ đông lớn nhất và trở thành Chủ tịch HĐQT Cty CPDLTG.

Dư luận càng thêm xôn xao khi ngay sau đó, Cty CPDLTG có công văn yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên – môi trường (Sở TNMT tỉnh Tiền Giang) bàn giao trụ sở tại số 105 Trưng Trắc, phường 1, TP.Mỹ Tho để Cty CPDLTG làm sân phục vụ cuộc thi HHTG 2010, vì đây là phần đất UBND tỉnh đã giao cho Cty DLTG năm 2000.

Cty CPDLTG cũng sẵn sàng trả tiền thuê trụ sở mới cho trung tâm trong 3 năm, với tổng số tiền 410 triệu đồng để việc di dời được nhanh chóng.

Nóng ở cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang

Lại nóng bỏng chuyện ông Hoàng Kiều ảnh 1
Cù lao Thới Sơn nằm bên TP.Mỹ Tho - nơi Cty CPDLTG tập trung phát triển du lịch.  Ảnh: K.Q

Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 20 HĐND tỉnh Tiền Giang, không khí phiên chất vấn trở nên nóng khi có đại biểu yêu cầu các cơ quan chức năng trong tỉnh trả lời về việc nhiều cử tri phản ánh tỉnh Tiền Giang đã bán Cty CPDLTG cho ông Hoàng Kiều với giá rẻ mạt 7,5 tỉ đồng.

Thông tin trên đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu, vì Cty CPDLTG sở hữu những tài sản lớn, nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.Mỹ Tho, như: Nhà hàng khách sạn Sông Tiền, nhà hàng Hướng Dương, nhà hàng Trung Lương, nhà hàng Hương Biển, nhà hàng Cửu Long, khu du lịch Thới Sơn…

Theo giá thị trường hiện nay, chỉ một vài trong số các cơ sở nói trên cũng có giá trên 7,5 tỉ đồng. Cơ quan chức năng của tỉnh đã không tường trình vấn đề đặt ra trước kỳ họp, mà hẹn ở kỳ họp sau.

Sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Tiền Giang và trung ương cũng đã nhận được đơn, thư tố cáo việc tỉnh Tiền Giang đã tiến hành cổ phần hoá (CPH) Cty DLTG, mà thực chất là bán rẻ tài sản của công ty cho một số cá nhân và DN trong và ngoài nước.

Đã làm đúng luật?

Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, việc cổ phần hoá Cty DLTG đã được tiến hành bình thường như bao DN khác. Tháng 11.2004, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc xác định giá trị Cty DLTG để thực hiện CPH.

Tháng 1.2005, UBND tỉnh phê duyệt phương án chuyển Cty DLTG thành Cty CPDLTG với vốn điều lệ 7 tỉ đồng. Nhà nước chiếm cổ phần chi phối với 51% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, người nghèo trong DN chiếm 29% vốn điều lệ. Còn lại, 20% vốn điều lệ được bán đấu giá công khai ra bên ngoài.

Sau khi CPH vài năm, phần vốn 51% vốn điều lệ của Nhà nước đã được những người có trách nhiệm bán bớt ra ngoài 21%, chỉ còn giữ lại 30%.

Sau đó, phần vốn 30% còn lại của Nhà nước được chuyển về cho TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (gọi tắt SCIC, thuộc Bộ Tài chính). Đến tháng 3.2009, phần vốn nhà nước 30% này tiếp tục được bán nốt cho ông Hoàng Kiều.

Theo phân cấp quản lý của Nhà nước thì UBND tỉnh được quyền quyết định bán bớt cổ phần trong các DN CPH, vấn đề là việc bán đó có thông qua đấu giá công khai như luật pháp quy định hay không? Còn bán 30% vốn điều lệ sau đó là việc của SCIC.

Liệu có phải Cty DLTG sau CPH đã về tay “tư nhân” với cái giá “rẻ mạt” so với giá trị thực như dư luận đang xôn xao? Một chuyên gia về CPH các DN nhà nước cho biết: Nhiều trường hợp CPH mắc sai sót ở khâu xác định giá trị của DN để chuẩn bị CPH, cụ thể là định giá thấp hơn thực tế. Ðây là vấn đề các cơ quan chức năng cần làm rõ để trả lời trước dư luận.

Theo Kỳ Quan
Lao Động

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.