Thiếu vốn nên công trình kè Đức Lợi thi công cầm chừng - Ảnh: Phú Đức |
Triển khai được 1 năm, dư luận vẫn hoài nghi về tính bền vững của dự án đối với môi trường và dân sinh vùng ven biển.
Bờ biển Quảng Ngãi dài 130 km, đi qua 5 huyện đồng bằng trong tỉnh. Đây là dải đất cát hẹp, cách bờ 3 hải lý có độ sâu 50 m và cách bờ 20 hải lý thì có độ sâu 100 m. Nếu tính từ mép nước biển vào đến khu vực rừng phòng hộ, khu dân cư và các công trình hạ tầng ven biển thì chỉ có từ 50 - 100 m.
Vì lẽ đó nên khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, nước biển xâm thực. Thực tế, điều này cũng đã xảy ra ở biển Nghĩa An, Bình Châu, Đức Lợi…
Do vậy, việc 3 DN trên được phép tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu ở khu vực này đến năm 2011 khiến dân thật sự lo ngại cho tương lai vùng biển Quảng Ngãi.
Theo một số người am hiểu về biển và địa chất, để cửa biển không bị cạn, hàng năm chỉ cần nạo vét 1- 2 triệu m3 cát. Nếu khai thác suốt cả 130 km dải cát ven biển của tỉnh thì cũng chỉ có khoảng 65 triệu m3.
Vậy đâu là cơ sở khoa học để các DN trên tận thu được 70 triệu m3 cát nhiễm mặn xuất khẩu trong 3 năm (2009-2011), chỉ riêng tại khu vực nhỏ?
Lãnh đạo một Cty du lịch ở Mỹ Khê, nói: “Khu du lịch Mỹ Khê hấp dẫn nhờ một phần có bãi cát biển đẹp, sạch. Song, chúng tôi thật sự lo lắng về sự tồn tại của nó khi triển khai dự án tại cửa Đại”.
Ông Trương Công Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) cho rằng: “Cần nghiêm túc đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án đối với bãi tắm khu du lịch Mỹ Khê, vùng nhiễm mặn và khu vực rừng dương phòng hộ”.
Còn theo ông Đỗ Minh Hải, Phó GĐ Sở TN&MT Quảng Ngãi, tuy đã khai thác nhưng các DN trên chưa thực hiện khảo sát, đánh giá tình trạng bờ sông, bờ biển vùng dự án hàng năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh, bao gồm thời gian bắt đầu khai thác, giữa kỳ khai thác, kết thúc khai thác và sau mỗi đợt mưa lũ.
Ông Trương Quang Việt, GĐ Sở NN&PTNT, đơn vị được tỉnh giao theo dõi tiến độ thực hiện các dự án trên cũng thừa nhận như thế. Các doanh nghiệp chưa công khai thông tin về dự án tại hiện trường, cắm phao tiêu hướng dẫn tàu thuyền ra vào, chưa đăng ký quỹ đầu tư (Cty CP SaPhia).
Về phía chủ đầu tư, giám sát chưa chặt chẽ, thực hiện báo cáo định kỳ chưa nghiêm túc, chưa đánh giá tác động môi trường…
Vừa làm vừa ngóng
Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, trong bất kỳ tình huống nào các DN cũng không được bán dự án, nếu không tiếp tục làm thì trả lại cho Tỉnh. Thời gian tới, Tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ về thời gian thực hiện đối với các dự án này. |
Dự án được tỉnh cấp phép thực hiện đến năm 2011. Trong khi đó, tháng 11-2009, Chính phủ chỉ đạo, đối với các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch cửa sông, biển, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu, chỉ được phép thực hiện đến tháng 6-2010. Có lẽ vì thế mà các DN này vừa làm vừa ngóng động thái của tỉnh.
Hầu hết các DN đều chậm thực hiện các cam kết với địa phương khi thỏa thuận thực hiện dự án. Cty TNHH Sản xuất TMDV Ngọc Việt cam kết hỗ trợ đầu tư nhiều công trình cho xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) nhưng qua gần 1 năm vẫn chưa có công trình nào thực hiện.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch huyện Tư Nghĩa cho biết, việc các DN chậm thực hiện cam kết trên là làm khó chính quyền địa phương, vì không biết phải trả lời thế nào cho dân.
Ngay như dự án xây dựng cảng cá qui mô đầu tư giai đoạn đầu là 30 triệu USD cũng chỉ trên giấy. Trong khi, việc sạt lở đê bao Quan Thánh (Nghĩa Hòa), sông Vệ (phía Nghĩa Hiệp) trong mùa mưa lũ năm 2009 dân đổ lỗi là do khai thác cát.
Với Cty CP Trường Phát Lộc, trong năm 2009 đã xuất 55,7 nghìn tấn cát nhiễm mặn, thực hiện các khoản thuế theo qui định (gần 690 triệu đồng) và ký quỹ đầu tư 60 tỷ đồng, nhưng các hạng mục cam kết đầu tư trên địa bàn xã Tịnh Khê thì triển khai rất chậm.
Theo kế hoạch, DN sẽ đầu tư xây dựng 8 công trình với tổng kinh phí trên 147 tỷ đồng, nhưng đến trung tuần tháng 1-2010 chưa có hạng mục nào khởi công.
Hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng trong quá trình triển khai dự án của 2 DN trên cũng chưa thực hiện, gây bức xúc cho dân.
Cty CP Quốc tế SaPhia có khối lượng cát xuất lớn (818.679 tấn), nhưng trong năm 2009, Cty vẫn nợ hơn 8,5 tỷ đồng, trong đó thuế xuất khẩu gần 6 tỷ, thuế tài nguyên và phí môi trường trên 2,5 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Kiệm, Cục phó Cục thuế Quảng Ngãi: Năm 2009, Cty này chưa mở tài khoản giao dịch tại Quảng Ngãi nên việc xử lý nợ gặp khó khăn.
Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu cát cuối tháng 12-2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trương Ngọc Nhi, cũng cho biết, Cty Cổ phần SaPhia quốc tế chưa ký quỹ đầu tư theo qui định của tỉnh. Các công trình do DN này hỗ trợ đầu tư cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán tiền cho các đơn vị thi công.
Cụ thể là công trình đường ra trạm biên phòng (Đức Lợi) có khối lượng thi công khoảng 1,4 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 1,9 tỷ đồng, nhưng DN chỉ mới tạm ứng vài trăm triệu, dẫn đến nhà thầu bỏ thi công nhiều tháng nay.
Công trình Trường tiểu học Đức Lợi có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng cũng rơi vào tình trạng này.
Riêng công trình kè Đức Lợi có tổng mức đầu tư được duyệt 14 tỷ đồng, khởi công tháng 5-2009 và kế hoạch hoàn thành trong tháng 9-2009, nhưng do Cty SaPhia không ứng vốn đầy đủ nên đến nay công trình chỉ mới hoàn thành nửa khối lượng. Hiện nhà thầu đã dừng thi công. Còn kè Nghĩa An có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng theo kế hoạch triển khai từ tháng 8-2009 đến nay cũng chưa thực hiện.
Giám đốc Chi nhánh Cty Cổ phần SaPhia quốc tế tại Quảng Ngãi, bà Lê Tuyết Minh thừa nhận thiếu sót trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế và một số nội dung chỉ đạo của tỉnh. Và hứa, năm 2010, Cty sẽ thực hiện đúng các cam kết, đồng thời kiến nghị tỉnh có văn bản làm việc với Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện dự án như đã duyệt, đến năm 2011.