Bãi bỏ quota xuất khẩu phân bón

Bãi bỏ quota xuất khẩu phân bón
TP - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thanh Biên trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến cơ chế xuất nhập khẩu phân bón, chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và sự cố tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Bãi bỏ quota xuất khẩu phân bón ảnh 1
Ông Nguyễn Thanh Biên

Báo Tiền Phong có bài phản ánh “Bộ Công thương làm khó doanh nghiệp?” trong xuất khẩu phân bón. Liệu Bộ có xem xét bỏ quota xuất khẩu phân bón, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng cơ chế thị trường?

Ngay sau khi Tiền Phong nêu vấn đề, chúng tôi đã cho rà soát lại các thủ tục trong xuất nhập khẩu. Không phải Bộ Công Thương cố tình gây khó khăn mà đây là hệ quả của cách quản lý xuất nhập khẩu trong những năm trước, khi chúng ta thường xuyên phải cân đối cung cầu phân bón để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

Việc doanh nghiệp tái xuất phân bón phải xin phép Bộ Công Thương là một biện pháp điều hành cung cầu. Tuy nhiên, trong năm 2009, tình hình đã thay đổi, Bộ Công Thương nhận thấy, không nhất thiết phải duy trì cách quản lý cũ.

Sau khi báo nêu, tôi đã ký công văn gửi cho Bộ NN&PTNT và Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị xem lại biện pháp quản lý này. Theo đó, Bộ Công Thương chính thức đề xuất biện pháp cho doanh nghiệp được xuất khẩu tự do phân bón có nguồn gốc nhập khẩu.

Chúng tôi đang đợi ý kiến chính thức từ Bộ NN&PTNT, nếu Bộ này không phản đối thì Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ việc cấp giấy phép xuất khẩu phân bón có nguồn gốc nhập khẩu. Chúng tôi hoan nghênh bài viết của báo Tiền Phong.

Đến nay chúng ta đã xác định được nguyên nhân xảy ra sự cố tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất?

Sự cố xảy ra hai tuần. Trong hai tuần qua, Ban Quản lý dự án, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương đã tập trung làm rõ nguyên nhân để báo cáo Chính phủ và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Bộ cũng đã mời nhà thầu Technip sang xem xét khắc phục sự cố.

Đến nay, nguyên nhân của sự cố vẫn chưa thể công bố. Bộ và Tập đoàn Dầu khí cùng nhà thầu sẽ trình Chính phủ phương án khắc phục nhanh nhất, hiệu quả nhất. 

Tại sao cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn chưa được triển khai sâu rộng trong dân, Bộ Công Thương đã làm gì để thực hiện chủ trương này?

Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội ngành hàng đang triển khai các biện pháp tăng cường quảng bá và giới thiệu hàng Việt Nam với người tiêu dùng trong nước.

Chúng tôi sẽ thực hiện tốt các giải pháp trong gói kích cầu của Chính phủ, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp. Chúng ta cần tăng cường quảng bá hơn nữa chất lượng của hàng Việt Nam.

Bộ cũng chú trọng chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có tác động liên kết tiêu thụ sản phẩm theo vùng, như vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long…   

Xem xét ban hành gói kích cầu tiếp theo

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Đến 31/8, số dư nợ vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ là hơn 413 nghìn tỷ đồng.

Về gói kích cầu tiếp theo trong năm 2010, Thủ tướng đã chỉ đạo, giao Bộ KH&ĐT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng chính sách hỗ trợ mới, tạo bước đệm cho nền kinh tế phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.