Từ cuối năm 2007 đến nay, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều biện pháp chống lạm phát nhưng giá cả vẫn “phi mã”. Ảnh: Hồng Vĩnh |
NHNN cam kết tiếp tục hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại để đảm bảo khả năng thanh toán, thông qua hoạt động nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ tái cấp vốn khác.
Trước mắt, ấn định mức trần lãi suất trong giao dịch nghiệp vụ thị trường mở xoay quanh 9%-10%/năm và thực hiện việc đưa tiền ra, rút tiền về một cách nhịp nhàng, tác động điều tiết và ổn định lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động và cho vay của các NHTM, đảm bảo lãi suất thực dương nhưng không gây trở ngại cho các nhu cầu vay vốn có hiệu quả.
NHNN cũng “hứa hẹn” trong trường hợp NHTM nào gặp khó khăn về nguồn vốn thì sẽ được NHNN xem xét lùi thời gian cụ thể. NHNN sẽ vẫn giữ các mức lãi suất như hiện nay, và điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay theo hướng giảm dần, phù hợp với tình hình cung-cầu vốn trên thị trường.
NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng không được áp dụng các hình thức khuyến mãi bằng tiền và hiện vật đối với người gửi tiền như là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh để thu hút tiền gửi, làm dịch chuyển tiền gửi giữa các NHTM, gây xáo trộn thị trường tiền tệ.
Đáng chú ý, NHNN khẳng định tiếp tục mua ngoại tệ của các NHTM ở mức thích hợp. Mở rộng biên độ mua, bán ngoại tệ của các NHTM so với tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng thêm 0,25% từ ngày 10/3 (tăng từ 0,75% lên 1%), kết hợp với điều hành linh hoạt tỷ giá giao dịch liên ngân hàng bình quân.
NHNN cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện việc chuyển số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại NHTM hiện nay về NHNN theo một lộ trình nhất định trong năm 2008, nhằm thực hiện tốt việc điều hành tiền tệ, đồng thời tránh sự thiếu hụt vốn thanh toán của các NHTM làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ.
Đối với cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản, NHNN đề ra việc rà soát để chỉnh sửa, bổ sung cơ chế tín dụng... Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ngay từ đầu năm theo mục tiêu tăng trưởng tối đa 30%, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả đối với nông nghiệp, nông thôn. Cơ chế cấp phép, thành lập và hoạt động của các NHTM cũng sẽ được rà soát lại và sửa đổi, sao cho phù hợp chuẩn mực quốc tế.
Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần với hạn mức 40%
Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đưa ra nhiều thông tin tốt cho nhà đầu tư, như: chưa đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong năm 2008; cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của công ty đại chúng chưa niêm yết với hạn mức 40%.
Bộ Tài chính cũng sẽ điều hoà IPO đảm bảo mục tiêu thực hiện chủ trương kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cân đối cung cầu theo tình hình thị trường tại từng thời điểm; giãn lịch phát hành ra công chúng giảm tốc độ tăng cung hàng hoá.
Mặc dù thừa nhận lạm phát leo thang đang tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhưng Bộ Tài chính khẳng định các cân đối vĩ mô nền kinh tế vẫn được kiểm soát: thu, chi ngân sách đạt kế hoạch đề ra; vốn FDI thực hiện ước đạt 1,08 tỷ USD.
Cùng với việc rà soát lại các dự án đầu tư của Nhà nước để có biện pháp tập trung vốn hoàn thành dứt điểm những dự án trọng điểm, Bộ Tài chính cũng sẽ hỗ trợ nhằm giảm tốc động của việc tăng giá đến một bộ phận dân cư nhất là người nghèo, ngư dân, người thuộc diện chính sách, vùng bị thiên tai.
“Giảm giá một số hàng hoá, dịch vụ cho phù hợp với mặt bằng giá thế giới và khu vực (cước điện thoại, cước thuê kênh quốc tế...), cũng là một trong những biện pháp mà Bộ Tài chính đã cam kết.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Vẫn phải ưu tiên mục tiêu tăng trưởng TP - Ngày 7/3, tại cuộc họp thông báo với báo chí những giải pháp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm bình ổn thị trường tài chính – tiền tệ, trả lời câu hỏi: “Trong bối cảnh bão giá như hiện nay thì việc song hành cả hai mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng cao và kiềm chế lạm phát là khó đạt được, liệu chúng ta có phải hạ mục tiêu tăng trưởng không?”, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định vẫn phải đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu. Ông Ninh lý giải rằng chỉ có như vậy mới có thể giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh phải cố gắng kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng đến giờ phút này, đạt mục tiêu tăng trưởng cao đồng thời khống chế lạm phát dưới mức tăng trưởng như nghị quyết của Quốc hội đề ra là nhiệm vụ hết sức khó khăn với Chính phủ. Về vấn đề Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đề nghị nâng giá điện cao hơn mức dự kiến trong lộ trình, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết theo lộ trình trên thì khoảng giữa năm nay sẽ nghiên cứu việc tăng giá điện. Tuy nhiên, do tình hình có nhiều biến động nên sẽ phải có sự xem xét lại. Hiện các bộ ngành liên quan đang nghiên cứu phương án được đề xuất. Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến của một số bộ ngành. Về chính sách ưu đãi cho một số đối tượng “nhạy cảm” với việc tăng giá xăng dầu, ông Ninh cho biết văn bản hướng dẫn thực hiện sẽ được Bộ Tài chính công bố trong một hai tuần tới. |