> Chờ 'khoán 10' trong giáo dục đại học
> Luật né vấn đề gay cấn của giáo dục
Dự án này đã không thể hiện rõ tư tưởng chủ đạo nào, được soạn thảo theo kiểu lắp ghép cơ học từ các điều khoản ở Luật GD (sửa đổi). Điều lệ trường ĐH, Quyết định 07/2009/QĐ-TTg ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia tách, giải thể trường ĐH… Một số nội dung rất cơ bản trong Luật GD (như quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường ĐH, sở hữu nhà trường, tính chất vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, chương trình khung, Hội đồng trường trong trường đại học,...) lại không được đề cập hoặc được nhắc đến rất mờ nhạt. Nếu chỉ như vậy, có lẽ chỉ cần Luật GD hiện hành chứ không nên có thêm một đạo luật khác về GDĐH.
Xây dựng Luật GDĐH là cơ hội để làm rõ và chỉnh sửa những quy định còn chưa được đề cập hoặc chưa hợp lý ở các văn bản pháp quy hiện hành để bảo đảm chuẩn hóa hệ thống GDĐH Việt Nam theo các tiêu chuẩn được cộng đồng thế giới thừa nhận. Định hướng cho việc làm đó đã được Chính phủ chỉ đạo. Dự thảo luật được soạn thảo mà không hề xuất phát từ những tư tưởng đó là một thiếu sót nghiêm trọng.
Từ thực trạng nền GDĐH Việt Nam, dự thảo luật GDĐH phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của xã hội và sự phát triển một nền kinh tế tri thức. Trong lúc Luật GD và các văn bản hiện hành, hệ thống các trường ĐH, CĐ còn đang rất lờ mờ triết lý, bất nhất và chắp vá về cơ cấu, hạn chế về năng lực hội nhập và rất kém hiệu quả, dự thảo luật lẽ ra phải định hướng cho sự hình thành hệ thống GDĐH phân tầng thống nhất, đa dạng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dự thảo luật cũng cần khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ hợp lý và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH. Dự thảo luật mới điều chỉnh đối tượng là các trường, đối tượng làm trong ngành giáo dục mà quên mất rằng giáo dục là sự nghiệp chung của toàn dân.
Dự thảo luật cũng chưa đề cập đến việc phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn "xin - cho" đang phổ biến hiện nay trong quản lý GDĐH. Nguồn gốc của tệ nạn này chính là cơ chế quản lý một chiều: Nhà nước - Nhà trường, trong đó Nhà nước vừa đưa ra các chính sách, vừa làm luôn nhiệm vụ giám sát. Cơ chế đó nên được thay thế bằng cơ chế quản lý 3 chiều: Nhà nước - Nhà trường- Xã hội. Trong cơ chế như vậy, Nhà nước có trách nhiệm đưa ra những quy định tối thiểu, thể hiện qua một hệ thống các “chuẩn GDĐH quốc gia” để bảo đảm chất lượng hoạt động của các trường. Các đơn vị kiểm định chất lượng và kiểm toán tài chính độc lập đại diện cho cộng đồng xã hội sẽ làm nhiệm vụ giám sát, giúp cho các trường, Nhà nước và xã hội biết được hoạt động giáo dục của các trường có đáp ứng được những đòi hỏi tối thiểu đó hay không.
Chỉ khi Luật GDĐH học đáp ứng được các yêu cầu trên, GDĐH Việt Nam trong tương lai gần mới hi vọng đạt được các tiêu chí cần có của một nền GDĐH tiên tiến với các tiêu chí: Công bằng, chất lượng và hiệu quả.
Đọc xong bản dự thảo Luật GDĐH thấy một cảm giác hụt hẫng. Với tâm huyết của một người làm công tác giáo dục, tôi đã gửi tới những người có trách nhiệm 18 ý kiến cần góp ý cho dự thảo. Tại buổi “Tọa đàm góp ý dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật GDĐH” do ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UBVH-GD-TTN của Quốc hội chủ trì ngày 6- 9, các đại biểu là chuyên gia trong ngành giáo dục cũng đã thẳng thắn nêu các ý kiến trên. Mong rằng những người có trách nhiệm nhận thức được vấn đề và tiếp thu ý kiến đóng góp để nền GD ĐH Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay.
TS Lê Viết Khuyến
(Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT)