Đạt 10 điểm có thể đỗ đại học

Đạt 10 điểm có thể đỗ đại học
TPO- Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm thi khối C không thấp và điểm sàn các khối vẫn giữ nguyên như năm ngoái. Nhiều thí sinh được 10 điểm vẫn có cơ hội vào đại học.

> Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn bằng năm ngoái 

Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả điểm thi khối C thấp nhưng điểm sàn khối này năm nay không giảm, Thứ trưởng có nhận xét gì?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Thực ra tổng hợp chung điểm thi khối C cho thấy, điểm thi môn Văn, Địa tốt, nên nhìn chung, điểm trung bình khối này cao. Vì thế, điểm sàn không thay đổi so với năm ngoái.

Thưa Thứ trưởng, năm nay, bao nhiêu thí sinh đạt từ mức điểm sàn trở lên?

Khi xác định điểm sàn, Bộ đã tổng hợp tất cả thông tin liên quan tới kết quả tuyển sinh, kết quả thi của thí sinh từng tỉnh, vùng miền. Với kết quả này, Bộ tính toán dư dôi rất lớn giữa số lượng thí sinh thiếu và thừa.

Ví dụ, khối A, số dư trên số thiếu là 1,6. Ở khối B, số dư trên số thiếu là 21 lần (trong khi năm ngoái có 8 lần). Khối C và D, mức dư tương đương năm ngoái.

Cụ thể năm nay, Khối A có 195.096 thí sinh có điểm trên sàn. Khối B, số thí sinh đạt điểm thi trên sàn là 114.441. Khối C, số thí sinh có điểm từ mức sàn trở lên là 28.221. Khối D, số thí sinh có điểm trên sàn là 77.524.

Như vậy, còn 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn không trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1). Đây là nguồn tuyển NV2, NV3 rất lớn dành cho các trường đại học.

Nguồn dôi dư rất lớn nhưng lãnh đạo nhiều trường đại học ngoài công lập vẫn lo thiếu nguồn tuyển. Theo Thứ trưởng, liệu các trường này năm nay có tuyển đủ chỉ tiêu không?

Bộ đã thống kê những nơi thiếu thí sinh như ở vùng Tây Bắc hay Đồng bằng Sông cửu Long. Số lượng thí sinh ở tỉnh, thành phố trong vùng miền đó, nếu không trúng tuyển NV1 ở các thành phố lớn, quay về học ở các trường địa phương thuộc vùng miền trên, thì con số này dư hơn rất nhiều nhu cầu, có thể lấp đầy chỉ tiêu của các trường.

* Năm nay, 415.282 thí sinh có điểm thi đại học trên điểm sàn (chỉ tiêu tuyển sinh là 266.631). Trong số trên, 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1; 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1.

* "Điều 33 trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ áp dụng cho những vùng, ngành khó tuyển được phép vận dụng. Khi vận dụng khoảng cách giữa các khu vực lên một điểm thay vì nửa điểm. Như vậy, khoảng cách từ khu vực một đến khu vực ba sẽ là ba điểm. Ví dụ với khối A, điểm sàn là 13 nhưng với khu vực có thể giảm ba điểm, xuống còn 10 điểm" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Ví dụ, thống kê tất cả thí sinh không trúng tuyển NV1 ở TPHCM, quy về xét NV2, NV3 ở Đồng bằng sông Cửu Long thì số lượng này gấp đôi chỉ tiêu cần thiết của các trường. Hoặc, vùng núi phía Bắc, thí sinh khối D không trúng tuyển NV1 mà quay về các tỉnh ở miền núi phía bắc thì số dôi dư gấp 10 lần.

Như vậy, chúng ta không cần chuyển thí sinh ở Hà Nội lên Tây bắc, TP HCM về Đồng bằng sông Cửu Long. Những thí sinh ở các tỉnh này, nếu không trúng tuyển NV1 và quay về vùng miền thì số lượng rất lớn, nhất là năm nay, Bộ cho phép rút hồ sơ NV2 và 3. Vì vậy, các trường không nên lo lắng.

Năm ngoái, về mặt kỹ thuật, chúng ta không cho rút nguyện vọng 2 và 3, chỉ nộ̣p xét một lần, năm nay cho phép thay đổi nên thí sinh có nhiều cơ hội hơn. Thí sinh không nộp do trường chưa có uy tín, chưa có sức hút với xã hội chứ chỉ tiêu chắc chắn còn dư thừa.

Có rất nhiều trường đại học ngoài công lập chỉ tuyển được một phần nhỏ số lượng chỉ tiêu được giao?

Hiện nay, thi "ba chung", không phải trường chỉ lấy thí sính thi trường mình mà còn lấy trường khác để lấp đầy chỉ tiêu này. Các trường chưa đủ NV1 có thể lấy NV2 và 3 nhưng các trường phải thông báo công khai.

Chủ trương mới của Bộ GD&ĐT là công khai những thông tin đó để thí sinh biết trường còn chỉ tiêu. Điều quan trọng là các trường phải quảng bá và dạy cho tốt để thu hút thí sinh, tạo sự cạnh tranh giữa các trường để nâng cao chất lượng. Năm nay tuyển ít nhưng anh tạo cho tốt thì sinh viên sẽ quảng bá cho nhau, năm sau thí sinh sẽ tăng lên.

Việc vận dụng điều 33 trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh có thể được ưu tiên tối đa bao nhiêu điểm?

Điều 33 trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ áp dụng cho những vùng, ngành khó tuyển được phép vận dụng. Khi vận dụng khoảng cách giữa các khu vực lên một điểm thay vì nửa điểm. Như vậy, khoảng cách từ khu vực một đến khu vực ba sẽ là ba điểm. Ví dụ với khối A, điểm sàn là 13 nhưng với khu vực có thể giảm ba điểm, xuống còn 10 điểm.

Năm 2012 có đổi mới tuyển sinh không, thưa Thứ trưởng?

Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu quy trình đổi mới tuyển sinh, làm cho việc tuyển sinh ngày càng hiệu quả, thiết thực. Chủ trương chung là như thế, còn giải pháp kĩ thuật làm cho nhẹ nhàng, làm thế nào cho hiệu quả thì các chuyên gia của Bộ và các trường đang bàn tính chuyện này.

Đỗ Hợp ghi

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.