Sống dựa, sống bám đang hiện hình rất rõ ở một bộ phận không nhỏ người trẻ. |
Sống dựa, sống bám đang hiện hình rất rõ ở một bộ phận không nhỏ người trẻ. Thay vì lao động để tự nuôi sống mình, họ chọn cách sống như tầm gửi, chỉ biết leo bám vào cành cây. Thậm chí có người sẵn sàng "bán thân" để có cuộc sống an nhàn.
Bài viết của nhà văn Trang Hạ sẽ cho chúng ta cái nhìn đa chiều hơn về hiện tượng này.
Tôi có một anh bạn trai, tài giỏi, có khiếu cảm thụ nghệ thuật, có một chức vụ khá cao trong ngành kỹ thuật. Gọi là bạn, nhưng tuổi cũng khá lớn. Thời gian phần lớn dành cho công việc, nên tiền cũng tất nhiên nhiều.
Anh có vợ gần năm mươi tuổi, ở với con cháu cách anh nhiều nghìn cây số. Anh có một cô bạn gái ngoài ba mươi đã có chồng mà anh rất yêu, làm việc gần cao ốc văn phòng của anh. Và anh có cả một cô bồ - tất nhiên mới ngoài đôi mươi và chưa chồng, đang chung sống ngay cùng anh trong nhà. Cô bồ này trước đây chính là nhân viên lễ tân của công ty anh, sau một thời gian, khi thành bồ, cô tự thôi việc và về nhà anh ở, tình nguyện cơm nước săn sóc anh bạn tôi.
Chừng nửa năm anh cho cô bồ nghỉ phép một vài tuần, là khi vợ anh về nước. Còn cô bạn gái anh yêu, có thể đi ăn trưa cùng nhau, chat và e-mail chia sẻ, đi quán cà phê, một vài hẹn hò lãng mạn, nhưng hầu như rất ít khi có quan hệ thân mật. Không phải vì anh mà là vì cô ấy. Cô ấy có vẻ như một nàng nhân tình nghiệp dư, hơn là một quý bà ngoại tình lão luyện.
Một ngày, cô bồ của anh gần như phát điên phát rồ và nổi cơn tam bành, rồi khóc như mưa, khi thấy anh bắt đầu tìm mua một căn chung cư mới tặng cho cô bạn gái – người yêu của anh.
Cô bồ nói, tại sao em đẹp thế này, em chiều anh như thế, em yêu anh như vậy, suốt hai năm nay em ngoan ngoãn chỉ biết mỗi mình anh, em cũng bỏ việc để tránh người ta thị phị cho anh, thế mà, em chỉ nhận được tiền lẻ đi chợ hàng tháng, và thỉnh thoảng anh mua cho em cái này cái kia, chả bằng một phần nhỏ mà anh dành cho chị kia!
Anh bạn tôi nói: "Thế không đủ sao?" - "Tại sao anh không nghĩ rằng em xứng đáng được nhận nhà anh mua? Nếu cho em ở thì cũng vẫn là nhà của anh mà!" - "Vì anh biết chắc chắn anh muốn tặng gì cho người yêu và tặng gì cho bồ!".
Ý anh bạn tôi nói rằng, gái bao là gái bao còn người yêu là người yêu. Hai người đàn bà đó hoàn toàn khác hẳn. Trong khi cô bồ chỉ hiểu rằng, ai "cho" anh này nhiều hơn là người đàn bà xứng đáng được đền đáp nhiều hơn.
Một tuần sau cô bồ rắp tâm chặn đường cô bạn gái anh kia, gây sự. Cô nói rằng cô đã chung sống với anh này hai năm rồi, cô trẻ hơn, cô sẵn sàng lấy anh này làm chồng. Còn… chị đã có chồng, chị chỉ là mối quan hệ “tăng gia” của anh kia, chị không có quyền lấy gì của anh ấy cả! Tôi sẽ kiếm cách báo cho chồng chị biết mối quan hệ này của chị!
Người đàn bà chín chắn và điềm đạm nói: "Anh ấy không chỉ tặng nhà!". "Hả? – Cô bồ há hốc miệng, kinh ngạc muốn hỏi rõ là còn gì nữa! "Nhưng tôi chưa bao giờ nhận thứ gì. Và tôi cũng không biết cô là ai, làm ơn đừng làm phiền tôi!", nói rồi cô bạn gái gọi điện cho anh bạn tôi đến đón cô “gái bao” về nhà! Sau một thời gian ngắn, quan hệ của họ rạn nứt, cô gái trẻ dọn đồ ra khỏi nhà bạn tôi, không quên đòi được một ít tiền mang theo.
Anh bạn tôi chỉ một thời gian ngắn sau kiếm được cô gái trẻ khác về chung sống. Anh nói, vì anh không định bỏ vợ (vợ cũng không định bỏ anh!). Và người anh yêu cũng không định bỏ chồng, càng không có ý định tới chung sống như tình nhân trong nhà anh.
Bởi thế, đàn ông, nếu là một người đàn ông bình thường, có đủ mọi năng lực về tài chính và sức khỏe, còn sức hấp dẫn và sự hài hước, thì còn hút được đàn bà tới! Và một sự thật trần trụi rằng: Khi người đàn ông bao gái, anh ta có quyền chọn và thải.
Tôi hỏi anh bạn tôi, vì sao cô bồ trẻ hơn, đẹp hơn, mà anh lại không cho cô gái một cơ hội khác, ví dụ, tại sao không dành cho cô ấy nhiều tình cảm hơn, sự trân trọng hơn, chăm sóc hơn? Gái bao thì cũng cần tình yêu, sự tôn trọng chứ, chưa biết chừng gái bao hôm nay sẽ thành phu nhân của anh sau này? Anh nói, bồ bịch mà đã đưa về nhà sống thì về căn bản chỉ là một thứ gái bao, có điều trả tiền nhiều hơn và trả một cục mà thôi.
Đằng nào cũng là một thứ giao dịch kinh tài. Những gì đáng lẽ người đàn ông cần làm cho đàn bà, ví dụ chăm sóc, nịnh, lấy lòng, âu yếm vuốt ve… thì tiền đã làm hộ đàn ông hết rồi! Vậy tại sao còn phải trân trọng, tình cảm, săn sóc họ nữa? Vì, nếu người phụ nữ cần những điều ấy, họ đã không chọn làm gái bao cho đại gia. Họ thấy họ xứng đáng với tiền là đủ, thì tại sao ta lại phải làm phức tạp thêm vấn đề?
Tôi nói, nếu anh đã nhìn họ bằng con mắt kim tiền, thì anh không tặng nhà, cô bồ bỏ đi là phải! Anh bạn tôi nói: “Tặng nhà rồi, nó đá đít mình càng nhanh hơn! Đừng nói chuyện tình nghĩa với loại đàn bà sẵn sàng lên giường nếu đàn ông chồng đủ tiền! Đó là lý do vì sao, gái bao chính là một thứ gái gọi mạt hạng, thậm chí không bằng gái gọi bởi nhiều cô còn hãnh diện vì được trai bao, chẳng biết mình đang là ai!”.
Nhiều người đàn bà vẫn luôn lấy bản thân mình để so sánh với những người phụ nữ khác. Họ nghĩ, đàn ông dành cho mình nhiều tiền hơn, nhiều hàng hiệu hơn, ở nhà sang hơn, đi xe đẹp hơn, hẳn mình có quyền hãnh diện hơn so với những người đàn bà khác! Và hẳn là mình hạnh phúc hơn, khôn ngoan hơn những người đàn bà khác!
Và mình khoe rằng mình được giai bao, sẽ làm tăng giá trị của mình hơn trong mắt người khác. Thực ra, tôi cũng nghĩ đúng như thế! Họ đã tăng giá, có điều tăng giá những dịp họ thò đôi chân trần ra hay thò những thứ ở trong bikini ra, không có nghĩa rằng, họ có quyền hãnh diện. Bởi sự hãnh diện của họ làm tổn thương một số người mẹ, vốn không định sinh con ra để làm gái bao.
Theo Trang Hạ
Vietnamnet