Bác sĩ Lương Cần Liêm kính mến,
Cháu là đứa con gái sống khá khép kín và luôn nghe lời bố mẹ. Cháu chỉ biết học và học, nhưng kết quả cũng chỉ là ở mức khá. Ngoại hình của cháu cũng bình thường. Nói chung là cháu chẳng thấy mình có gì nổi bật. Ra trường chắc chắn cháu sẽ về cơ quan của mẹ làm việc – một công việc hành chính đơn giản, nhưng ổn định.
Con gái 21 tuổi cần có nơi có chốn để đến lúc ra trường là có thể tính đến chuyện lập gia đình. Đấy là quan niệm của bố mẹ cháu. Và bố mẹ cháu nhờ hết người này người kia để tìm cho cháu một người đàn ông.
Bố mẹ cháu là người sơ tuyển trước. Cuối cùng cũng chọn được một người “hợp với cháu và gia cảnh nhà cháu”. Anh hơn cháu 2 tuổi, đã đi làm trong một cơ quan Nhà nước. Từ bé đến lớn cũng chỉ biết mỗi việc học, học xong bố mẹ “chạy” cho đi làm ngay.
Hôm đầu tiên đến nhà cháu chơi, anh đi cùng một người làm trong cơ quan mẹ cháu. Cháu thấy mọi thứ cũng bình thường và cũng muốn chờ xem tình hình sẽ như thế nào.
Một tuần sau, anh lại đến nhà cháu chơi. Lần này anh đi một mình. Anh không hẹn trước với cháu. Đi qua cửa thấy phòng khách nhà cháu không có ai, anh đi lòng vòng mấy lần mà không dám vào. Sau đó anh gọi điện nói đang đứng ở trước cửa nhà cháu. Thú thật là lúc ấy cháu hơi thất vọng một chút về người đàn ông đang tìm hiểu mình.
Anh không tự tin khi đến chơi với mình thì làm sao có thể làm chỗ dựa cho mình sau này được. Nhưng rồi cảm giác thất vọng cũng nguôi ngoai khi bố mẹ cháu hết lời khen anh về thành tích học tập, về gia đình cơ bản, về sự hiền lành chất phác của anh. Thôi thì lại cứ chờ xem.
Lần thứ ba anh đến nhà ăn cơm theo lời mời của bố mẹ cháu. Không may hôm ấy điện nhà cháu bị chập. Cái công tắc tổng ở đối diện với chỗ ngồi của anh mà anh không biết xử lý thế nào. Anh cứ chạy qua chạy lại cuống cả lên. Nếu bố cháu không xuất hiện đúng lúc thì có lẽ hôm đó đã xảy ra cháy lớn. Nhưng bố mẹ cháu thì vẫn nghĩ hành động của anh là bình thường vì “lạ nước lạ cái”. Khổ nỗi là bố mẹ cháu đã mặc nhiên coi anh là người yêu của cháu và luôn tạo điều kiện để chúng cháu có những khoảng riêng tư.
Một lần anh đến nhà chơi và trời mưa rất to. Bố mẹ cháu đã chủ động mời anh ngủ lại mà không cần hỏi ý kiến của cháu. Cháu cứ nghĩ đêm đó thế nào anh cũng nhảy bổ vào cháu để làm “chuyện ấy” và cháu sẽ chống cự đến cùng để chứng tỏ cháu không phải là đứa con gái dễ dãi. Nhưng không, anh lại xin ngủ trên ghế sopha ở phòng khách. Đêm đó cháu đã không ngủ được vì cứ chờ đợi tiếng gõ cửa của anh. Nhưng anh đã không làm như những gì cháu nghĩ.
Hôm sau, cháu đã nói với anh là đừng bao giờ đến nhà cháu nữa. Cháu cũng đã nói chuyện dứt khoát với bố mẹ là không thể yêu một người đàn ông hèn hèn như thế được. Mẹ cháu thì lý luận rằng, cứ cưới đi rồi sẽ yêu sau. Đàn ông đa số là như thế. Sau này cưới nhau về rồi sẽ đào tạo thêm. Bố mẹ cháu trước đây cũng thế.
Bây giờ cháu như đứng trước ngã ba đường. Cháu ý thức được rằng chuyện tình cảm của mình, hạnh phúc của mình là phải do mình quyết định. Nhưng cháu nghĩ bố mẹ có yêu thương cháu và muốn cháu hạnh phúc thì mới làm thế.
Nhận định của mẹ cháu về đàn ông không biết có chính xác không (dù sao thì mẹ cháu cũng đã trải nghiệm, cho dù trải nghiệm của thời mẹ cháu khác thời của cháu bây giờ)? Liệu cháu – một cô gái bình thường - có thể gặp được một người đàn ông tốt hơn anh ta không?
Cháu cảm ơn bác sĩ!
Thực tế và tưởng tượng về tình yêu
Nếu tôi là người bác hoặc chú ruột của cháu thì tôi sẽ nói với cháu như thế này. Cháu đã nhìn lại mình chưa? Chàng thanh niên mà cháu kể trong thư có vẻ lịch sự, có giáo dục, biết khả năng mình (do đó biết giới hạn mình). Nếu anh ta hèn nhát thì chắc chắn sẽ không đến mà không hẹn, không ngủ ở nhà người “lạ” mà chưa có “danh hiệu”.
Chàng trai này biết mình làm gì và cái gì “chưa tự” cho phép được làm. Thế thì tại sao cháu lại tưởng tượng đêm đó chàng phải tấn công cháu, rồi cháu chống cự để gọi là “yêu trong dũng cảm hiếp dâm” giống như phim?
Ở đây lại phải nhắc đến mối quan hệ giữa thực tế và tưởng tượng trong/về tình yêu. Trong tưởng tượng, chúng ta nhất định phải mơ gặp người đẹp (với nam), anh hùng (với nữ), tháo vát và không ngừng phát triển. Khi mình nghĩ mình “quá” tầm thường và trung bình thì mình không tự tin nơi mình mà phóng hết nguyện vọng của mình (về mình) đến một thần tượng để thần tượng đó “chở và xây cất” nguyện vọng của mình thành thật. Con người ta không thể sống theo giấy uỷ quyền được!
Cũng có khi, trong vô thức, cha mẹ cháu biến cháu thành người tầm thường, nhưng trên thực tế cháu lại là người có cá tính, đầy sức sống. Thế thì nên hiểu sâu ý nghĩa của cái “trung bình” như thế nào? Phải nhớ trung bình là cái trung dung của hai thái cực, chứ đừng thấy mặt hồ bằng phẳng mà nghĩ nước không động.
Trong câu chuyện của cháu, cũng phải nhắc đến ảnh hưởng của văn hóa hình ảnh tình yêu “lý tưởng” và những thời sự trưng bày, phô trương hành vi xấu xa của con người. Trong văn học, sẽ chẳng có cuốn sách nào nếu nhìn cuộc đời này chỉ có hạnh phúc và thành công. Báo chí cũng không sống được nếu không có tài tử này, đào kép kia lộn xộn, lúng túng với tình duyên. Nếu không có những chuyện dâm dục, tầm thường thì chẳng thể là cuộc đời.
Thế thì bài học tình yêu là mỗi người mỗi khác. Nhưng chúng ta cần nghe kinh nghiệm người đi trước – cha mẹ, những người thân nhiều tuổi – và người đi gần chúng ta – anh chị em ruột và bạn bè cùng thế hệ. Cái chính là phải nói chuyện với nhau để những tưởng tượng, mơ cảm không chiếm chỗ của thực chất quan hệ tìm hiểu tình cảm giữa người với người.
Thân
Bác sĩ Liêm
Theo Hoa học trò