> Rung động trước nghĩa cử của một cảnh sát Mỹ
> Ở nơi nào cần
Có một cuộc sống khác giữa đêm đông
Đúng 10 giờ đêm nhóm xuất phát từ cổng trường Đại học Thủy lợi bắt đầu chuyến hành trình. Tôi đi cùng đoàn và có vẻ chiếc xe máy của tôi trở nên vô duyên, lạc lõng giữa hàng xe đạp của các bạn trẻ.
Trưởng nhóm Mạc Trường Giang, SV năm cuối Đại học Kiến trúc Hà Nội nói với tôi: “Đi xe đạp chúng tôi dễ tiếp cận những người vô gia cư, đặc biệt là đêm khuya không gây tiếng ồn làm ảnh hưởng giấc ngủ của họ”.
Dừng chân tại Văn miếu Quốc Tử Giám, chúng tôi thấy hai mẹ con sống trên vỉa hè.
Đứa con khoảng một tuổi đang nằm ngủ ngon lành trên thùng xốp, được đắp hờ bởi một tấm chăn mỏng. Người phụ nữ trạc 27 tuổi nhanh tay xếp đồ đạc và từ chối sự giúp đỡ của nhóm. Trường Giang ra hiệu cho mọi người tạm đi sang chỗ khác.
Một mình Giang tiếp cận chị. Lát sau quay ra với chúng tôi, Giang nở nụ cười vì thuyết phục được người phụ nữ đó nhận bánh, sữa và bộ quần áo ấm. Giang cho biết, đây là lần thứ hai cậu tiếp cận được với hai mẹ con vô gia cư này nhưng thông tin về họ rất ít, người phụ nữ ấy ly dị chồng, ngày bán nước dạo, tối vạ vật ở các lề đường, vỉa hè.
“Chị ấy rất mặc cảm về thân phận nên khi thấy đông người chị càng ngại ngần, sợ mang ơn nên mới phản ứng gay gắt như vậy. Chị ấy muốn được gửi con nhỏ vào chùa để con đỡ khổ”, Giang nói.
Rời Văn miếu Quốc Tử Giám, chúng tôi đến vườn hoa Lê Nin, lúc này gần 11 giờ đêm, phố phường vắng hoe. Không còn người đến chơi, vườn hoa dường như rộng hơn và lạnh lẽo thêm. Bỗng một thành viên trong nhóm giật mình kêu lên khi phát hiện ở góc tối của vườn hoa có một người nằm trùm kín tấm vải bạt từ đầu đến chân.
Thấy còn cử động, Giang chạy đến lật vội tấm vải bạt. Khuôn mặt tái nhợt, khắc khổ của người đàn ông hiện ra, đôi mắt sưng húp, môi khô khốc, nứt nẻ. Ông thều thào trong tiếng thở dốc rằng, ông đang bị cảm nặng.
Lê Thùy Ly, sinh viên năm cuối Đại học Y Hà Nội đến xoa dầu, đánh gió. Các thành viên khác xoa bóp chân, tay rồi cho ông uống sữa. Ông tên Lãm, 55 tuổi, làm nghề mài dao kéo. Hằng ngày ông cùng chiếc xe đạp rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để mưu sinh “nhưng giờ chiếc xe đạp đã bị kẻ gian lấy mất 2 hôm nay rồi”, ông Lãm nói trong nước mắt. Ông vừa bị ốm lại đói nữa nên kiệt sức.
Ông bảo, ông ngủ ở vườn hoa được 3 năm nay, chắc còn gắn bó dài dài, tết này ông không về quê vì ở quê giờ chẳng còn ai thân thích. Được lót dạ và có thêm tấm áo, ông như được tiếp thêm sức để chống chọi với cái khắc nghiệt của đêm đông Hà Nội.
Tạm biệt ông Lãm, một số bạn trẻ rơi nước mắt, hẹn hôm sau lại đến. Hà Nội về khuya cái lạnh càng thấu xương, một số bạn nữ lấy thêm khăn trùm kín đầu, đạp xe áp sát nhau hơn và lặng lẽ tiếp tục cuộc hành trình đến trạm trung chuyển Long Biên, Trần Nhật Duật, quay về Đinh Tiên Hoàng, ra ga Hà Nội và kết thúc ở phố Khâm Thiên lúc 4 giờ sáng hôm sau.
Chăm sóc ông Lãm – một người vô gia cư ở vườn hoa Lê nin. |
Cuộc đời cần lắm những yêu thương
Đây là đêm thứ 4, nhóm VGC thực hiện chương trình sưởi ấm đêm đông ở Hà Nội. Trưởng nhóm Mạc Trường Giang cho biết, những ngày đầu các thành viên trong nhóm phải góp tiền đong gạo nếp, mua thịt về thổi xôi, đi xin quần áo ấm.
Nhưng giờ thì nhiều mạnh thường quân khi biết được việc làm ý nghĩa của nhóm đã tích cực ủng hộ về vật chất cũng như tinh thần. Nhóm quyết định mua một chiếc máy giặt để giặt quần áo ấm cho những người vô gia cư.
“Nhiều người không có chỗ để giặt quần áo, mặc cả tháng trời bẩn quá không thể mặc được nữa đành phải vứt đi, rất phí”, Giang nói. “Có người khi thấy chúng em đến thu gom quần áo về giặt họ còn ngần ngại không cho, sợ mình là người xấu lấy mất quần áo của họ”, Giang kể.
Giang cho biết để tổ chức được những chuyến đi thế này, trước đó Giang cùng một thành viên nữa phải thức trắng đêm để đến các ngõ ngách Hà Nội tìm hiểu nắm bắt từng hoàn cảnh cụ thể của những người vô gia cư.
Nhiều lúc bị cảnh sát tuần tra hiểu nhầm bắt xe nhưng rồi khi biết được việc làm ý nghĩa của nhóm họ quay ra giúp đỡ, cánh xe ôm cũng tích cực giúp nhóm tìm thêm những mảnh đời cần giúp đỡ.
Thức đêm, mất ngủ cộng với thời tiết lạnh, Giang và các thành viên khác trong nhóm nhiều lần ốm. “Dù vậy, chúng tôi ai cũng háo hức muốn đi để được trải nghiệm, ngẫm suy thêm về cuộc sống.
Những món quà của chúng tôi không thấm vào đâu trong cuộc sống khốn khó của những người vô gia cư, nó chỉ có ý nghĩa tiếp sức, để họ biết rằng cuộc sống này vẫn còn nhiều người tốt”, Trường Giang nói.
Hiện, ở Hà Nội có một số nhóm khác cũng thực hiện chương trình sưởi ấm đêm đông, như: nhóm Chung tay vì cộng đồng; Hope; Những người bạn; Ấm…