Nếu bạn cứ cố biện hộ cho điểm yếu của mình thì chướng ngại vật tự tạo rất khó lật đổ. Chẳng hạn, bạn ghim trong đầu rằng: “Mình không có khả năng viết văn” – lúc đó bạn sẽ tìm kiếm những bằng chứng chứng minh cho điểm yếu đó. Bạn nhớ lại những bài văn không hay thủa còn là học sinh phổ thông hay nhớ cảm giác lúng túng khi ngồi viết bức thư gần đây nhất… Đầu óc bạn bị những giới hạn che lấp dồn vào chân tường, đe dọa sự nỗ lực của bạn.
Một thanh niên vừa mất việc làm từng than thở: “Chưa bao giờ tôi có được mối quan hệ tốt đẹp. Tôi chỉ toàn phá hỏng chúng”. Chắc chắn anh bạn này đúng bởi qua câu chuyện của anh, tôi nhận thấy bất cứ khi nào mở đầu một mối quan hệ mới - một cách vô thức - anh đều tìm lý do để đối phương rời bỏ mình! Nếu trễ hẹn, anh luôn nói với khách: “Tôi luôn đến muộn”.
Nếu họ bất đồng chính kiến, anh bảo: “Tôi lúc nào cũng tranh cãi như thế đấy”. Nếu điều này tiếp tục diễn ra, không sớm thì muộn, anh bạn trẻ sẽ đánh mất bản thân trước người đối diện và rồi khi mối quan hệ bị phá vỡ, anh lại tự nhủ: “Thấy chưa, lần nào cũng vậy, mình chẳng có mối quan hệ nào tốt đẹp cả”.
Nếu bạn suy nghĩ giống thanh niên trên, hãy chấm dứt cách nghĩ chỉ nhìn về phía tiêu cực. Thay vì nói: “Tôi luôn như thế”, bạn cố gắng đổi thành: “Tôi không nghĩ rằng tôi chỉ được như thế, tôi phải khá hơn thế nhiều”. Mỗi lần biện hộ cho những thiếu sót của bản thân là một lần chúng ta làm mất đi lòng tin nơi người khác, thậm chí đánh mất chính hình ảnh của mình. Hãy suy nghĩ tích cực hơn về những hạn chế của bản thân và tìm cách thể hiện chúng. Đó là điều duy nhất mỗi bạn trẻ nên làm để trở nên hoàn thiện hơn.
Hà Châu
Theo Attitude