> Chúng ta đang 'sến'?
> Hội lạ trên thế giới ảo
Tuần rồi, khi Hải Minh (37 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 3 - TPHCM) buông lời “không cưới xin gì nữa!”, đồng nghiệp chung phòng chưng hửng bởi mới cách đây vài tháng, cô báo tin sẽ lấy chồng.
Sợ mất tự do
Hải Minh sống một mình trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Cuộc sống của cô khiến nhiều người ghen tị và thường tiếc cho cô là chỉ còn thiếu… một tấm chồng. Chồng tương lai của Hải Minh có một con gái 6 tuổi (với người vợ quá cố). Anh dễ gần, hoạt bát, chịu khó, không uống rượu bia, không hút thuốc. Theo bàn bạc với Hải Minh, anh sẽ về sống ở nhà cô vì trước đây, anh sống cùng cha mẹ vợ.
Mọi việc tưởng đã xong, thế mà ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân, cô đã lùi bước chạy dài vì qua bàn bạc chuyện cưới xin, cô đâm ngại ngùng và sợ… lấy chồng. Hải Minh bảo: “… Đã quen sống một mình, nay sắp 40 tuổi lại tự đeo gông vào cổ. Cứ nghĩ đến chuyện cùng anh ấy, tôi cảm thấy mình sắp mất tự do!”. Thế là cô không chịu cưới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thực tế, ngày càng có nhiều người ngại kết hôn, trung bình tuổi kết hôn ngày càng cao và số người sống độc thân cũng nhiều hơn.
Ở khu phố của tôi (phường 6, quận Tân Bình - TPHCM) có chị Thanh Hồng, 41 tuổi, đã hủy đám cưới chỉ vài ngày trước khi gửi thiệp hồng. Chị có một nhóm bạn gái tôn thờ “chủ nghĩa độc thân” và thấy “thế mới sống cho riêng mình và hoàn toàn tự do”! Khi nhắc lại chuyện cũ, chị bảo rằng: “Thật là may khi đã kịp thời dừng lại và chưa có gì ràng buộc với anh ấy. Tôi hủy đám cưới vì thấy rằng có chồng sẽ không được sống thoải mái theo ý mình”. Chị thấy mình sẽ khó chấp nhận chuyện phải chia sẻ với anh ấy những gì chị đã chắt bóp lâu nay mới có được nên… “thà hủy hôn còn hơn là phải ly dị ngay sau khi cưới”.
Ngại vất vả
Không chỉ phụ nữ, cánh mày râu cũng chẳng ngại tiếng “ế” mà chần chừ cưới hoặc chịu sống “mình ên”. Cách đây hơn tháng, dù thiệp cưới đã gửi đi, anh Tính (ở huyện Trảng Bom - Đồng Nai) cũng quyết định thôi cưới. Chỉ thương cho cô dâu gần 40 tuổi và chẳng có thiếu sót gì bỗng dưng bị từ hôn phải nằm bẹp mấy tuần! Em gái anh Tính lấy chồng xa, anh gần 50 tuổi mà vẫn sớm tối một mình ở cùng mẹ già. Thấy mẹ anh thường thui thủi ở nhà một mình, mọi người giục anh lấy vợ để bà vui cửa vui nhà, có người chăm sóc khi ốm đau và bà cũng mong con trai sớm yên bề gia thất.
Hàng xóm mai mối cho anh Tính một người. Anh chẳng khen chê gì cả và đồng ý cưới vì… muốn mẹ vui lòng. Khi nghĩ về cuộc sống vợ chồng không thiếu giận hờn, chiều chuộng, hạch hỏi giờ giấc đi về, tiền bạc, anh sợ mình kham không nổi nên từ hôn. Anh tâm sự: “Tôi có vui vẻ gì đâu. Cưới vợ chỉ khổ cực, vất vả thêm, thậm chí là nhức đầu nếu phải nghe nhiều, rồi con nhỏ nhõng nhẽo… Hy vọng là sau này cô ấy sẽ hiểu và không oán giận tôi”.
Có phần đáng trách hơn là chị Kim Hoa, nhân viên ngân hàng, có nhà riêng tại quận Bình Thạnh – TPHCM. Chị quyết không lấy chồng vì: “Sống một mình, đi làm về mệt cứ lăn ra nghỉ, ăn uống gì cũng được, lại thoải mái đầu óc. Nếu lấy chồng, dù mệt vẫn phải vào bếp nấu nướng. Nghĩ thế thôi cũng phát rầu”. Chị tâm sự: “Sống một mình cũng buồn, cũng tủi thân, nhất là khi đau ốm, hữu sự… nhưng nhìn thấy mấy bà mẹ trẻ có con nhỏ tất bật cả ngày, tôi không dám nghĩ đến chuyện chồng con... Gặp được người chồng tốt thì đỡ, chứ “vớ” phải “cục nợ” thì uổng một đời”.
Nên cân nhắc kỹ Kết hôn là quyền tự do của mỗi người. Những người không muốn kết hôn hẳn có lý do của riêng mình, có thể vì đã sống trong gia đình không hạnh phúc, vì một tai nạn như bị cưỡng hiếp, bị phỏng ở những vùng nhạy cảm trên cơ thể khiến mặc cảm... Tuy nhiên, “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” là quy luật tự nhiên. Nếu chọn lựa trái quy luật thì nên trao đổi với chuyên viên tư vấn để tìm hiểu xem có vấn đề về tâm lý cần can thiệp không; nếu chỉ vì ngại người “lạ”, sợ cực khổ… thì hãy chấp nhận sự chọn lựa đó và chuẩn bị trước cho tuổi già cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. |
Theo Trang Ánh
Người lao động