> ĐH Ngoại thương giành cú đúp
Lê Ngọc Chiến (thứ ba tính từ trái sang của hàng đứng đầu tiên) cùng đội tuyển Cheerleading ĐH Ngoại thương. |
“Đến với cheerleading từ niềm đam mê nhảy”
Là một người thích tham gia các hoạt đông ngoại khóa và được học tập trong môi trường năng động như ĐH ngoại thương, Chiến có nhiều cơ hội được trải nghiệm bản thân.
Chiến được bạn bè nhận xét là một người khá tham lam. Ngay từ năm nhất, ngoài chức vụ Bí thư lớp, cậu bạn còn tham gia là cộng tác viên Ban đối ngoại của Đoàn trường, là thành viên của Hội sinh viên, Clb dancing và Clb Tec.
Chiến vui vẻ chia sẻ: “Trong tất cả các Clb, mình là người ham hố công việc. Mọi công việc quan trọng mình đều muốn làm. Năm đầu ĐH, mình luôn cố gắng thu xếp và cân đối vệc học tập với các hoạt động ngoại khóa”.
Cheerleading hay còn gọi là Nhảy cổ động có xuất xứ từ nước Mỹ từ những năm 1923. Đây là môn thể thao cạnh tranh, dựa trên sự kết hợp đồng đội. Một bài cổ động thường kéo dài từ một đến ba phút, bao gồm các động tác nhào lộn, bật nhảy, dựng tháp và vũ đạo. Cheerleading là bộ môn thi đấu chính thức tại Giải Sinh viên Văn – Thể - Mỹ toàn quốc U-league 2010 tại Việt Nam. |
Với các hoạt động tích cưc, sau năm thứ nhất, Chiến được tin tưởng và đề bạt giữ chức Chủ tịch CLB dancing – một vị trí mà chỉ những sinh viên năm ba mới đủ sức đảm nhận. Mặc dù kinh nghiệm còn ít nhưng Chiến coi đây là cơ hội để mình trau dồi và thể hiện đam mê của bản thân.
Chiến cùng các bạn trong Clb dancing đã gặt hái được nhiều thành công nổi bật. Bên cạnh việc tổ chức và tham gia các hoạt động trong trường như: chương trình Dạ hội Ngoại thương mừng Sinh nhật, Giải Giọng hát vàng thành phố Hà Nội, CLB đã đoạt giải Nhất chung kết U-league miền Bắc và giải Bạc chung cuộc toàn quốc. Đây là một giải thưởng uy tín giành cho các đội cổ động xuất sắc toàn quốc.
Với việc tổ chức thành công chương trình FTU cheerdance competition năm 2010 -giải nhảy cheer đầu tiên giành cho sinh viên Ngoại thương, Chiến đã góp phần phát triển bộ môn aerobic trong trường thành môn Chearleading. Pinky cheerding được thành lập từ đó.
"Máu" kinh doanh khi mới học cấp 3
Hồi cấp 3, mặc dù học chuyên Lý nhưng Chiến đã nghĩ đến việc kinh doanh. Chiến tự đứng ra lập một tờ báo trường, nhận bài từ các lớp khác rồi biên tập, xuất bản dưới hình thức như báo Hoa Học Trò. Mỗi tháng xuất bản khoảng 500 cuốn. Đến Tết năm lớp 10, Chiến tự hào vì mới lần đầu tiên kinh doanh đã có được số tiền nhuận bút là 1 triệu đồng.
Hiện nay, ngoài công viêc học tập, chàng trai này đồng thời là Giám đốc của chuỗi các shop thời trang Nam.
Vốn là một sinh viên năng động cùng với niềm yêu thích, sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực thời trang, Chiến đã khảo sát, thu thập thông tin và phân tích để tìm ra một bản sắc kinh doanh riêng.
Chiến đã rất mạo hiểm khi huy động cả gia đình đi vay, cùng với vay bạn bè được 300 triệu đồng. “Những ngày đầu, công việc khá vất vả, mình phải đảm nhiệm nhiều vị trí, từ vai trò là người lấy hàng, chọn hàng, bán hàng đến việc thiết kế, PR cho cửa hàng, cùng với thời gian học tập dày đặc, 3 tháng đầu, mình gần như không có thời gian cho những mối quan hệ và hoạt động khác”. - Chiến tâm sự.
Sau 3 tháng kinh doanh, Chiến đã thu hồi được vốn. Những tháng tiếp theo mở rộng kinh doanh, thuê thêm địa điểm và tuyển thêm nhân viên. Mọi sự chỉ đạo đều được điều khiển từ xa.
Chiến lập ra hệ thống quản lý nhân viên bằng cách giao nhiệm vụ cho từng nhóm trưởng. Đa số nhân viên là các sinh viên đi làm thêm. Mỗi ngày chia thành 3 ca làm việc, do các nhóm bố trí, sắp xếp cụ thể. Điều đáng nói là hầu hết các nhân viên đều thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1988, 1989), trong khi ông chủ là 9X. Nhiều nhân viên thậm chí sau một năm chưa biết mặt ông chủ.
Trải qua những khó khăn ban đầu, đến nay Chiến đã có hai cửa hàng ở phố Chùa Láng và Kim Mã. Đến tháng 10-2011 đã mở rộng thêm một cơ sở tại chính quê hương – thành phố Thanh Hóa.
Sau hơn 1 năm kinh doanh và quản lí trên dưới 20 nhân viên, trung bình mỗi tháng doanh thu của các cửa hàng mà Chiến thu được lên đến hàng trăm triệu. Với hoạt động kinh doanh của mình, anh có thể tự trang trải mọi chi phí sinh hoạt cho bản thân cũng như học tập.
“Để có được những thành công như ngày hôm nay, bên cạnh sự hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình, mình còn nhận được nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè và người thân” - Anh cho biết thêm.
Khi chia sẻ về những dự định sắp tới của mình, bên cạnh duy trì công việc kinh doanh, Chiến mong muốn phát triển một thương hiệu thời trang riêng, và tham gia một chương trình đào tạo quốc tế về quản trị kinh doanh. “Nếu như nhảy là một niềm đam mê, thì kinh doanh là một cái duyên đến với mình, và học tập vẫn là ưu tiên quan trọng để không ngừng trau dồi kiến thức và giúp ích cho công việc sau này” – Chiến chia sẻ.