Nghề truyền lửa

Nghề truyền lửa
TP - Xuất hiện tại Việt Nam từ vài năm qua, cheerleader – dẫn dắt cổ vũ, truyền lửa đam mê trong các sự kiện quan trọng, ngày càng thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Lớp học múa cột hút bạn trẻ

Các nữ sinh đang “truyền lửa” Ảnh: Q.M
Các nữ sinh đang “truyền lửa” Ảnh: Q.M.

Cheerleader đang dần trở thành môn thể thao nghệ thuật với các động tác nhảy điêu luyện. Tại Việt Nam, bạn trẻ học cheerleader hầu hết là nữ, xuất thân từ các đội văn nghệ của trường. Lại Phụng Thư, thành viên đội nhảy cổ động ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: “Qua phim ảnh của phương Tây, mình thấy mỗi lần thi đấu thể thao thường có nhóm bạn gái ăn mặc gợi cảm nhảy tham gia cổ động. Khi nhóm vào sân, cả khán đài như được tiếp thêm sinh lực, mọi người cùng vỗ tay, hát và nhảy múa. Mình thường xuyên tìm kiếm thông tin, video trên mạng để cùng các bạn tự tập luyện cheerleader”.

Từng là thành viên nhóm nhảy Hiphop, Nguyễn Thanh Mai, sinh viên ĐH KHTN TPHCM, cho biết để có mỗi lần biểu diễn khoảng 3-7 phút, nhóm phải tập luyện nhiều tháng. Theo Thanh Mai, với cheerleader, mỗi người đều phải thực sự máu lửa bởi chỉ một thành viên hạ nhiệt, bước nhảy của cả đội sẽ hết nhiệt. Những bạn nữ muốn trở thành cheer phải có thể lực tốt và luôn đầy nhiệt huyết.

“Tại Việt Nam hầu như chưa có giáo viên dạy cheer chuyên nghiệp. Những bạn yêu thích môn này chủ yếu tự mò mẫm trên mạng và tập theo. Có những động tác khó như bật xoạc trên không, nhào lộn, xếp hình tháp đòi hỏi được học một cách bài bản nếu không sẽ dẫn đến chấn thương. Vì vậy mỗi khi bạn gái luyện tập các động tác nguy hiểm thường có bạn trai hỗ trợ”, Thanh Mai cho biết.

Không chỉ thỏa mãn đam mê, nhiều bạn trẻ còn kiếm được tiền từ các màn biểu diễn. Bích Thủy, sinh viên ĐH Hồng Bàng, đội trưởng cheerleader của một cty tổ chức sự kiện ở TPHCM, cho biết ngoài mức thu nhập cơ bản, các bạn trong đội còn nhận được tiền bồi dưỡng khá cao sau mỗi buổi tập cũng như biểu diễn. “Mỗi giờ luyện tập được trả 100-200 ngàn đồng, lúc biểu diễn cát xê cao hơn. Các sự kiện được tổ chức hầu như liên tục nên đội luôn có đất diễn. Hình thức cổ động này giúp phá sức ỳ của khán giả, cuốn họ vào không khí nóng bỏng của sân chơi”, Bích Thủy cho biết.

Hoàng Thúy Vy, sinh viên năm 3 Cao đẳng Sư phạm, cho biết: “Cheerleader là liều thuốc tinh thần không thể thiếu để khích lệ người tham gia thi đấu và khán giả. Cheer phải luôn cười thật tươi, luôn hô to sảng khoái nhưng không đồng nghĩa với hét và hú. Nhằm khuấy động khán đài nên cheer phải biểu diễn một cách thật tự nhiên để khán giả cùng hòa vào không khí sôi động đó”.

Tại các trường học Âu - Mỹ, cheerleader là cuộc thi thường niên và là môn rèn luyện thể chất bắt buộc. Trong mỗi cuộc thi, phần trang phục cũng được chấm điểm. Tại Việt Nam, cheerleader phát triển ở nhiều trường với những cuộc thi ấn tượng ở trường Hà Nội Amsterdam, Marie Curie, Lê Quý Đôn (TPHCM). Ở TPHCM, phần lớn các trường ĐH – CĐ đều có đội cheerleader.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG