Em ơi, đã từ lâu người ta vẫn nghĩ “nhà giáo và bộ đội” là mô hình lý tưởng cho một cuộc sống hôn nhân gia đình. Chính vì vậy mà rất nhiều cô giáo trẻ thường chọn người yêu là lính và ngược lại cũng có rất nhiều anh bộ đội kết duyên với các “kỹ sư tâm hồn”.
Theo anh, thì giữa nhà giáo và nhà binh có một nhân duyên rất khó cắt nghĩa rõ ràng. Ngay tại đơn vị anh cũng có tới gần một nửa số anh em sỹ quan có vợ là cô giáo. Đấy là chưa kể đến số sỹ quan trẻ và chiến sỹ nghĩa vụ có người yêu là cô giáo hoặc nữ sinh các trường sư phạm.
Nói như vậy nhưng không có nghĩa là chỉ có các cô giáo mới se duyên cùng người lính, em ạ. Song, quả thật, chỉ có những ai hiểu và thông cảm cho cuộc đời binh nghiệp thì họ mới dám yêu và chấp nhận làm “một nửa” của người lính. Và, thật đáng mừng, đâu đó quanh chúng ta đã có rất nhiều mối tình đẹp đẽ hạnh phúc giữa anh bộ đội Cụ Hồ với các bạn gái làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thế thì tại sao em cứ băn khoăn mãi về nghề nghiệp của mình? “Anh à, từ trước tới nay chỉ thấy bộ đội có người yêu là cô giáo… ”- Câu nói bỏ lửng của em, anh đoán được vế sau. Em băn khoăn: Tình yêu của người lính - là anh với cô nhân viên kế toán- là em, liệu có bền vững và hạnh phúc như tình yêu của mô hình “cô giáo và anh bộ đội”?
Anh rất tin tưởng vào tình cảm của cả hai chúng mình, em ạ. Chắc chắn tình yêu bình dị mà rất đỗi ngọt ngào của chúng mình sẽ mãi êm đềm lan tỏa trong mỗi bước hành quân của anh và trong từng con số trên bàn tính của em. Em hãy tin là như thế nhé!
Khi viết những dòng tâm sự này gửi đăng trên Tiền Phong, anh chỉ muốn hát thật to lên để em có thể nghe thấy tâm trạng lâng lâng của anh như lời ca khúc “Tình ca mùa xuân” của nhạc sỹ Trần Hoàn: “…Và chúng mình yêu nhau bắt đầu từ độ ấy. Em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương. Và anh lại ra đi vui như ngày hội. Mùa xuân biên giới súng anh gác trời xa…”.
Hy vọng rằng những tâm sự trên sẽ là món quà gửi về phương em thay mặt anh trong những dịp sinh nhật, Valentine, ngày 8-3, ngày 20-10 hằng năm mà anh bận hành quân không về kịp.
Mãi yêu em!
Phạm Văn Bằng
6 TH - 151, Phú Giáo,Bình Dương
Chuyên trang Hành trang người lính mở chuyên mục Thư gửi lính/Thư của lính đăng tải những bức thư với nhiều sắc thái tình cảm khác nhau giữa những người thân, bạn bè nơi hậu phương với người lính. Tác giả những bức thư hay được chọn đăng được trả nhuận bút và báo biếu. Thư và bài viết xin gửi về Ban Thanh niên, Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Email: thegioitre@tienphong.vn |