Nữ giới - một mình tuổi 30

Yêu trong sáng qua một “rào chắn” ở tuổi 30 có phải “ngược dòng”? (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Cafe Nâu (Tuổi Trẻ)
Yêu trong sáng qua một “rào chắn” ở tuổi 30 có phải “ngược dòng”? (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Cafe Nâu (Tuổi Trẻ)
30 tuổi đối với nam giới làm gì cũng bình thường, nhưng phụ nữ dễ gặp điều tiếng. Nếu chưa kết hôn mà nếm “trái cấm” có thể họ sẽ bị phê phán, song nếu cố giữ mình có khi bị cho là... không bình thường.
Yêu trong sáng qua một “rào chắn” ở tuổi 30 có phải “ngược dòng”? (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Cafe Nâu (Tuổi Trẻ)
Yêu trong sáng qua một “rào chắn” ở tuổi 30 có phải “ngược dòng”? (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Cafe Nâu (Tuổi Trẻ).


Khúc hát lỡ thì chốn quê

Chuyện những phụ nữ muộn chồng ở quê vốn không hiếm. Có nhiều nguyên nhân khiến các cô thôn nữ đi ngược dòng trong xu hướng lấy chồng ở tuổi đôi mươi. Nhưng đôi khi lý do khiến họ chưa thể lấy chồng lại rất nhân văn và đơn giản, giống như người chị trong nhạc phẩm Chị tôi (nhạc sĩ Trần Tiến), họ mang trên vai gánh nặng gia đình quá lớn khiến không người đàn ông nào đủ dũng cảm đưa vai san sẻ, gánh giúp một phần.

Chị Sửu (39 tuổi, quê Nam Định) chưa chồng và gần 20 năm chị phải quán xuyến cuộc sống của người cha già và cô em gái câm. Sống ở quê như thế không cách gì lấy nổi chồng. Đôi lúc chị hối tiếc thời son trẻ vài cậu trai làng theo đuổi, nhưng vì không nỡ bỏ cha và em để theo chồng, chị khước từ dần cho đến tuổi vãn chiều mới thấy đời mình quạnh quẽ. Chị Sửu tâm sự: “Mình không đành lòng vì tình riêng mà bỏ tình thân. Nhiều lúc khát khao mái ấm gia đình lắm nhưng không thể được. Thôi thì cứ như bà cô của Thị Nở bảo đã nhịn được đến giờ thì nhịn thêm có làm sao”!

Nếp sống ở thôn quê đã khép kín hạnh phúc của nhiều phụ nữ, bởi quanh quẩn sau lũy tre làng họ khó có thể biết cách tìm kiếm bạn trăm năm.

Không “vượt rào” nơi thành thị

Nhịp đời phủ sắc phồn hoa khiến cư dân thành thị phóng khoáng hơn, thậm chí cũng có người buông thả, dễ dãi trong yêu đương. Song người ta vẫn còn gặp rất nhiều cô gái có quan điểm sống “giữ mình”. Nhưng cách nghĩ của nhiều người thành phố, nhất là các bạn trẻ, lại cho rằng việc đó thật “kỳ cục”, khiến sâu thẳm trong không ít cô nàng ấy lại hoài nghi: có nên “vượt rào” trước tuổi 30?

H.C. (28 tuổi, sống tại Hà Nội) suốt ngày bị cha mẹ, anh chị giục giã yêu đương và kiếm chồng. Không ai muốn tương lai của C. là một bà cô ế chồng khó tính. Tuy nhiên, những chàng trai từng đầu mày cuối mắt với C. lại luôn muốn cô chứng tỏ tình yêu “hết mình” với họ. Tất nhiên C. kịch liệt phản đối, đến khi 28 tuổi cô bắt đầu suy xét xem mình có quá cổ hủ trong lối nghĩ.

Và rồi C. quyết định chọn một việc cần làm trước 30 tuổi là “vượt rào”. C. chia sẻ: “Khi trò chuyện với bạn bè, mọi người thường đem chuyện ấy ra bàn tán và luôn cười cợt sự ngu ngơ của mình nên mình quyết định trải nghiệm “chuyện ấy”, vì nếu không làm bây giờ biết đâu sau này sẽ hối tiếc”...

Còn L.T. (sống tại TP.HCM) chưa từng yêu ai. Thường chuyện tình cảm chỉ mới dừng ở mức thinh thích, rồi bỗng nhận ra người ấy không hợp tính mình và dập tắt ngay ngọn lửa tình vừa nhen nhóm. Dù mấp mé tuổi 30 nhưng L.T. vẫn quyết lội ngược dòng chảy của lối sống hiện đại, không buông thả với bất cứ người đàn ông nào kém cỏi hơn mong mỏi của mình.

Hay với M.T., nhân viên một công ty đa quốc gia, cũng vậy. M.T. không lên án chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng cô không muốn nếm trải bởi suy nghĩ “phải dành giây phút tốt đẹp ấy cho đêm tân hôn”. Bạn bè xung quanh nhiều người khuyến khích cô nên thử phiêu lưu, thậm chí có ý kiến “thật có lỗi với bản thân nếu phí phạm tuổi thanh xuân cho việc chờ đợi một người đàn ông”, song M.T. vẫn “chung thủy” với quyết định của mình.

Cuộc sống của cô ngoài 48 giờ/tuần bận rộn với công việc là chuỗi thời gian thư giãn, du lịch với bạn bè và tụ họp nấu nướng cùng gia đình dịp cuối tuần... Có lẽ đây là điểm khác duy nhất của L.T., M.T. với H.C., khi cả ba cô gái chốn thị thành đều từng trải qua một đời sống son trẻ trong lành.

Còn nhiều cô gái như H.C., L.T., M.T. Ai cũng bước qua dấu mốc 30 tuổi để nhận ra sự chuyển biến về suy nghĩ và cuộc sống. Song quan niệm “giữ mình” và kiên quyết không vượt rào có trái tự nhiên, và cuộc sống hạnh phúc hay không là do chính mình kiến tạo chứ không phụ thuộc suy nghĩ của người khác?

Theo HẰNG SƠN
Tuổi Trẻ

Phụ nữ ngại yêu: có thể do hoàn cảnh sống

Theo bác sĩ Lê Thúy Tươi, phụ nữ hay nam giới khi bước vào tuổi dậy thì đều có những ham muốn trong tình cảm cũng như tình dục. Nhưng phụ nữ giỏi kìm nén ham muốn hơn nam giới. Nếu nói một số phụ nữ độ tuổi gần hay ngoài 30 không có ham muốn trong “chuyện ấy” là chưa hoàn toàn đúng, song ở VN phụ nữ thường ngại nói ra những chuyện tế nhị này.

Những phụ nữ chưa biết hoặc ngại “chuyện ấy” vì nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do môi trường, hoàn cảnh sống vốn bị trói buộc trong một khuôn phép giáo dục, nề nếp gia phong, từ nhỏ đã bị cấm đi chơi với con trai, hay mẹ dặn không được để người khác cầm tay, đụng chạm...

Một số khác chưa có ham muốn vì chẳng biết chuyện ấy như thế nào và khi biết rồi có thể ham muốn nhiều hơn. Hoặc có những người từng biết lại thấy chẳng có gì thích thú nên lãng quên...

Có một thực tế là ở nhiều phụ nữ bị kìm nén, khi gặp một chàng trai mạnh mẽ thì trong họ ngay lập tức bùng lên luồng cảm xúc bất tận, đôi khi không cần biết đó có phải là tình yêu không...

Theo XUÂN T.P.
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.