GS Ngô Bảo Châu: Trong khoa học, không có gì bạn làm một mình

GS Ngô Bảo Châu: Trong khoa học, không có gì bạn làm một mình
Tự nhận ngại trả lời phỏng vấn vì đối với một nhà khoa học, tiếp xúc với nhà báo thường là một trách nhiệm hơn là một niềm vui, nhưng GS Ngô Bảo Châu đã dành một cuộc trao đổi với PV trước khi kết quả giải Fields được công bố trong ngày hôm nay (19-8).

>> Giải thưởng Fields, những điều chưa biết

>> Điều gì sau khi Ngô Bảo Châu tỏa sáng?

>> Trưa nay, công bố giải 'Nobel' Toán học

GS Ngô Bảo Châu cho biết cảm giác của ông trước giờ phút quan trọng đó là vui ít, lo nhiều.

Thưa GS, công trình “Bổ đề cơ bản cho đại số Lie” là một công trình góp phần đưa GS trở thành ứng cử viên của giải Fields. Với những người ngoại đạo, cách hiểu dễ nhất về công trình này là gì, đó có phải là công trình nghiên cứu quan trọng nhất của GS tính đến nay?

GS Ngô Bảo Châu: Đó là một vấn đề cần được giải quyết từ 30 năm nay trong một bộ phận trung tâm của toán học hiện đại. Tất nhiên, đây là công trình nghiên cứu quan trọng nhất của cá nhân tôi. Đó là nghiên cứu độc lập của tôi, độc lập ý tưởng từ đầu đến cuối. Nhưng trong khoa học thì không có gì bạn làm một mình cả. Việc mình đọc tài liệu, tức là mình đã hưởng kết quả của người khác rồi.

Trong lần GS về nước vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã mời GS tham gia chương trình đưa VN trở thành quốc gia mạnh về toán học giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030 sắp được Chính phủ ban hành. Ông nghĩ sao về chương trình này?

Tôi hiểu “mạnh về toán học” là có một số nhà toán học hàng đầu có tầm cỡ thế giới, có không khí nghiên cứu toán học sôi nổi, nghiêm túc, giảng viên của các trường đại học chính có công trình nghiên cứu nghiêm túc. Hiểu theo nghĩa này thì đây là một mục đích của chương trình trọng điểm ngành toán có thể thực hiện được.

Cũng trong buổi gặp Phó thủ tướng, GS đã bày tỏ mong muốn được cống hiến cho sự phát triển của toán học VN nói riêng và nền khoa học VN nói chung, ở một mức độ cao hơn và hiệu quả hơn so với những hoạt động giảng dạy trực tiếp. Thưa GS, sự mong muốn cống hiến ở mức độ cao hơn, hiệu quả hơn ở đây là gì?

Trong trường hợp Viện Đào tạo và nghiên cứu cao cấp được thành lập, tôi sẽ tham gia công việc của viện từ việc điều hành chung cho đến tổ chức các nhóm nghiên cứu.

Các nhà toán học VN cho rằng nếu ông được nhận giải Fields sẽ mở ra một thời cơ mới cho toán học VN. GS đánh giá thế nào về nghiên cứu toán học tại VN thời gian qua cũng như trong tương lai?

Toán học VN có một lỗ hổng thế hệ đáng lo ngại. Trong thế hệ những người vào tuổi năm mươi, vẫn còn một số làm toán rất tốt. Vào khoảng tuổi tôi thì chỉ có 1-2 người.

Từ trước đến giờ, có bao giờ GS có ý định về VN làm việc không?

Tôi rất muốn về VN tham gia nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học trong nước. Nói chung đó là một việc tôi luôn cố gắng làm từ hồi còn ở Pháp. Khi ở Pháp, tôi tham gia một tổ chức hợp tác toán học giữa VN và Pháp, một tổ chức nhỏ, chẳng có bao nhiêu tiền nhưng có nhiệm vụ liên lạc với các GS Pháp nhiệt tình sang VN giảng dạy cho sinh viên VN, hay khi có một sinh viên VN có triển vọng thì chúng tôi gửi cho các thầy bên Pháp để họ giúp đỡ.

Lâu nay có ý kiến cho rằng việc thu hút các nhà khoa học VN đang nghiên cứu, giảng dạy tại nước ngoài trở về VN làm việc không nằm ở vấn đề lương bổng mà quan trọng hơn là môi trường làm việc?

Tôi cho rằng việc các nhà khoa học VN ở nước ngoài trở về nước làm việc có nằm ở vấn đề lương bổng. Mức lương 1,8 triệu đồng mỗi tháng cho một tiến sĩ mới về nước là một sự vô lý. Tất nhiên ta không đua được với các nước khác, nhưng ta có thể tìm ra một phương án để các nhà khoa học có mức thu nhập trên trung bình trong điều kiện sống của các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, tạo ra môi trường làm việc cũng là một yếu tố cuốn hút quan trọng. Ở nước ngoài, tôi có cơ hội dự những buổi hội nghị chuyên đề, tham gia giao lưu nói về những vấn đề mình đang làm, những gì tôi chưa làm được và ở đó có những người họ biết hơn tôi nên tôi có thể hỏi họ.

Cách làm việc đó dễ có những công trình lớn vì nhiều khi mình đang rất ham muốn mà không có ai đáp ứng cho mình thì hôm sau sẽ có những chuyện khác khiến mình quên đi mất, không còn hào hứng nữa. Thời điểm mà bản thân mình đang cảm hứng làm việc nhưng lại không được đáp ứng về thông tin sẽ làm mình cụt hứng.

Nhiều người thường nghĩ với những nhà toán học, thú vui giải trí ngoài toán cũng thường liên quan tới tính toán, GS có đam mê điều gì khác ngoài toán học?

Tôi thường đọc sách.

Xin cảm ơn GS.

Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG