Ước mơ của Nguyện

Ước mơ của Nguyện
TP - Căn bệnh liệt mềm tứ chi bẩm sinh buộc Nguyễn Thị Nguyện phải nằm hoặc mặc áo giáp cứng nhưng không làm cô nguôi đi ước mơ: Được học Đại học Sân khấu - Điện ảnh, gặp bạn bè trên mạng...
Ước mơ của Nguyện ảnh 1

...Cô kể: “Có hôm giữa đêm trời mới mưa, em thấy mẹ ra hứng mưa ngoài hè, dáng mẹ khom khom. Nhưng mà em tệ quá, cứ bắt mẹ hứng nước mưa ngoài trời. Thế là mẹ phải ra giữa đường, mưa ướt hết”.

Nguyện là hạnh phúc của cả nhà. Cô dặn mẹ đừng nói gì nặng lời làm bố tủi thân vì khi mẹ đi học, bố ở nhà vất vả lắm. Cô lại bảo với bố nhường nhịn mẹ hơn vì mẹ làm việc rất nhọc nhằn rồi. Ngay cả với bệnh nhân của mẹ, Nguyện cũng khuyên mẹ giúp người ta hết sức, khuyên cho người ta đỡ sợ hãi. Vậy nên cả nhà luôn bảo nhau giữ yên ấm cho cô bé được vui.

Từ khi có máy tính, cuộc sống của Nguyện như bước sang một trang mới. Chỉ có điều Nguyện học không giống như các bạn. Đôi tay quá yếu khiến Nguyện không thể tự nâng lên được, không dùng bàn phím được mà chỉ có thể bấm chuột trên bàn phím ảo và chủ yếu dùng tay trái vì tay phải quá yếu. Con chuột lại lớn hơn cả bày tay nên Nguyện viết rất chậm.

Nguyện thường đùa: “Em toàn dùng những thứ mà chẳng ai thèm động vào như là làm phim bằng Movie Maker, vẽ bằng Paintshop. Còn bây giờ em đang cố gắng tự học Photoshop và Flash nữa”.

Cô bé thích vẽ tranh về những ước mơ của mình, viết văn thơ, phổ lời cho nhạc và tự hát. Trước đợt phẫu thuật, Nguyện viết ca khúc Em bé sao mai với ước mơ được đi lại như bạn bè và được các bạn ở trường Bách khoa đưa ra Hà Nội lần đầu tiên để thu âm.

Bài hát có những câu: “Có hay cho lòng con, nỗi đau khi bao đêm khuya con nhũn mềm làm mẹ cha đã phải thao thức, khiến cho con thấy buồn biết bao. (...) Thầm cầu mong nếu có kiếp ngày sau, con sinh ra không còn nỗi đau”.

Ước mơ của Nguyện ảnh 2

Đang học lớp 12 ở trường THPT Cù Chính Lan (Hòa Bình), Nguyện ước ao thi vào khoa Biên kịch của Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Cô tìm tới website của trường và gửi e-mail cho thầy hiệu trưởng. Thật bất ngờ vì thầy không chỉ gọi điện lại mà còn giới thiệu cho Nguyện cô giáo Quỳnh Trang - Giảng viên khoa Biên kịch.

Những cuộc trao đổi, chuyện trò trên mạng, nhất là bài hát của Nguyện khiến cô Trang thực sự xúc động và muốn hướng dẫn cô viết truyện ngắn, viết về những tâm tư, tình cảm của mình sao cho phù hợp với sức khỏe.

Cô còn ước được gặp bạn bè trên mạng. Giải nhất chặng thứ hai của cuộc thi viết blog Mùa xuân và tôi do mạng xã hội tamtay.vn và báo Tiền phong tổ chức đã giúp Nguyện thực hiện được ước mơ ấy.

Sự ủng hộ của các thành viên trên mạng đã giúp tác phẩm Trái tim mùa xuân của Nguyện đạt điểm cao nhất một cách xứng đáng. Cô nói: “Ban đầu em tham gia cuộc thi để cho vui thôi, vì em chỉ ước được một lần gặp các anh chị, để em biết thế giới ảo là một thế giới đẹp đẽ và có thực”.

Còn điều mà Nguyện mong muốn nhất lại thật giản dị: “Em ước được một lần đi chơi với bố mẹ, vì từ trước tới giờ bố mẹ chỉ toàn đưa em đi bệnh viện thôi. Nhưng bố mẹ phải bốc thuốc, đến ngày Tết còn bận rộn nên em cứ xây chuyến đi chơi đó trong mộng tưởng cũng được. Người ta cần biết sống như thế nào, chứ không phải là sống được bao lâu”.

Nguyễn Thị Út Mười (bạn thân của Nguyễn Thị Nguyện): “Em chơi thân với Nguyện từ khi còn học lớp 1. Ngày nào em cũng sang nhà để đưa bạn đi học. Nhưng thời gian gần đây, cơ thể Nguyện yếu dần, phải mặc áo giáp để cố định cơ thể nên phải để sẵn một chiếc xe lăn ở trường.

Hàng ngày gia đình đưa bạn đến, còn em thì bế bạn vào trường. Em vẫn thường ngồi cạnh bạn khi đi học. Có hôm bạn đau quá thì em vừa bế bạn, vừa nghe giảng. Rồi có hôm gia đình tới đón muộn, em lại bế bạn để chờ, hai đứa ngồi hát ầm cả phòng học.

Hồi em học THCS, có một bà lang tới trị liệu cho Nguyện và chân của bạn đã duỗi ra được một chút. Nhưng bà chẳng có thời gian, phải đi, nên bạn ấy buồn lắm.

Em với mấy bạn nữa tìm cách liên lạc và biết được là bà lang ấy đang ở Hà Nam. Thế là chúng em nói dối là đi chơi, nhưng thực ra là để đi tìm bà ấy. Chúng em bắt xe, rồi đi cả xe ôm tới Hà Nam. Bà ấy thương quá nên đồng ý tập cho bạn khỏe thêm.

Mẹ của Nguyện không mắng gì đâu, chỉ kêu bọn em sao liều quá.Ngày trước, nhiều người “to nhỏ” rằng em sang... “hầu” bạn ấy. Nhưng với em, Nguyện là một người chị đáng yêu, người dìu dắt em rất nhiều về tinh thần. Đó là điều không phải ai cũng hiểu được.

Còn nhớ lần Nguyện ốm, ho ra máu mà cứ đòi ăn ốc. Thế là trưa hôm ấy, em lội ao mò ốc, lúc về dẫm phải mảnh sành đau lắm. Đến tối em mang ốc luộc sang cho Nguyện mà chân thì tập tễnh.

Em nói dối là đi đường vấp phải đá nhưng Nguyện không tin, cứ “khảo” mãi nên em phải “khai” thật. Nguyện cứ khóc và nói: “Xin lỗi cậu”, thế là hai đứa cùng òa lên. Bạn ấy đâu có biết rằng chỉ cần bạn vui thì em chẳng thấy đau gì cả.

Em quen có Nguyện ở cạnh rồi. Nhiều khi em cứ nghĩ “rủi mà có gì xảy ra” thì em sẽ thấy trống vắng lắm, em rất sợ mất bạn ấy. Nhưng em chẳng bao giờ dám nói điều đó cả. Dù cuộc sống có khó khăn thế nào, dù hai đứa có ít thời gian bên nhau thì Nguyện vẫn phải tin vào tương lai, hãy coi mình như một người khỏe mạnh bình thường. Ai cũng yêu mến và luôn bên cạnh Nguyện”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.