60 năm gắn bó với Tiền Phong Marathon

60 năm gắn bó với Tiền Phong Marathon
TP - Gắn bó với Việt dã Tiền Phong và Marathon giải báo Tiền Phong từ khi giải đấu ra đời từ năm 1958 đến nay, gồm 20 năm với tư cách là vận động viên (VĐV) và 40 năm trên cương vị huấn luyện viên (HLV), lão tướng Bùi Lương có nhiều kỷ niệm sâu sắc với giải đấu vừa tròn 60 tuổi.

Thưa ông, gắn bó với Việt dã Tiền Phong và Marathon giải báo Tiền Phong từ khi giải đấu ra đời từ năm 1958 đến nay, ông có nhận xét gì về sự phát triển của giải cho tới thời điểm này?

Tôi còn nhớ như in giải Việt dã Tiền Phong và Marathon giải báo Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1958, với đường chạy trong công viên Bách Thảo. Điều đặc biệt là có cả “anh hùng Thế vận” nổi tiếng ngày đó là VĐV Emil Zatopek với 5 năm liên tục lập kỷ lục marathon thế giới từ 1948 tới 1953, tham dự. Thời điểm đó, tôi mới 20 tuổi khoác áo đội tuyển điền kinh Hải Phòng dự giải. Thời đó, giải còn tổ chức đơn giản và thô sơ, nhưng mới giải phóng miền Bắc mà tổ chức được một giải thể thao như thế, thật sự rất đáng quý. Chúng tôi rất tự hào bởi khi từ Hải Phòng được lên Thủ đô thi đấu, không khác gì đi thi quốc tế. Năm đó, tôi về vị trí thứ Nhì. 60 năm gắn bó, hành trang của tôi với Tiền Phong Marathon là kỷ lục 9 lần vô địch. Càng về sau, giải ngày càng phát triển vững mạnh, từ lúc đầu tiên chỉ có 72 VĐV, giờ đã có hàng nghìn người tham dự, trong đó có đông đảo các VĐV phong trào góp mặt. Tôi thực sự thấy xúc động khi chứng kiến sự trưởng thành của giải.

Trong 60 năm đồng hành cùng Việt dã Tiền Phong và Marathon giải báo Tiền Phong, ông có những kỷ niệm đáng nhớ nào?

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Tiền Phong Marathon, vui buồn đều có. Nhưng có lẽ kỷ niệm mà tôi không thể quên được là vào năm 1967. Thời điểm đo, chỉ còn hai ngày nữa bước vào cuộc tranh tài, tôi nhận được hung tin người yêu ở Hải Phòng bị trúng bom và qua đời. Tôi đã phải nén nước mắt thi xong mới về khi chuyện hậu sự cho cô ấy đã xong. Những ngày đó, tôi ăn ngủ không được trọn vẹn, khóc nhớ thương. Rồi đến năm 1968, tôi mặc toàn đồ trắng từ giày, quần áo đến mũ để tang chạy. Năm đó, tôi lập kỷ lục.

Một kỷ niệm là ở Việt dã Tiền Phong và Marathon giải báo Tiền Phong năm 1970. Khi đó giải được tổ chức tại Hòa Bình và các VĐV chạy dọc bờ sông Đà, giặc Mỹ đánh phá, thả bom ở bờ bên kia sông, đất đá, mảnh bom bay tứ tung, sang cả bờ bên này. Tôi bị một mảnh bom bắn vào đùi bên phải nhưng vẫn cố gắng về đích. Đó là hai kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời thể thao của tôi.

Ông ấn tượng với điều gì tại Việt dã Tiền Phong và Marathon giải báo Tiền Phong 2019? Mục tiêu của đoàn Bình Phước tại giải năm nay là gì?

Tôi và các học trò đến Vũng Tàu từ thứ 7 tuần trước và tôi nhận thấy công tác chuẩn bị của BTC Việt dã Tiền Phong và Marathon giải báo Tiền Phong 2019 rất chu đáo. Như tôi đã nói ở trên, giải càng ngày càng phát triển và có nhiều nét đổi mới thu hút không chỉ VĐV chuyên nghiệp, mà còn các VĐV phong trào hào hứng tham dự. Riêng với đường chạy, cung đường ven biển Vũng Tàu rất đẹp nhưng hứa hẹn sẽ rất khốc liệt bởi nắng, dốc và
gió biển.

Đoàn Bình Phước năm nay tham dự giải với lực lượng trẻ hoá nhiều. Các cao thủ của tôi như Hoàng Nguyên Thanh, Lâm Thị Thuý...các em không bước tiếp được nữa. Dù vậy, giải này chúng tôi quyết có thành tích với vị trí toàn đoàn, cá nhân marathon nữ. Tôi tin, chỉ cần có ý chí nghị lực kiên cường và sức chịu đựng phi thường thì các em sẽ vượt qua được bản thân mình và giành chiến thắng.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

MỚI - NÓNG