Hé mở thế giới biến ảo của vlog Việt.

Phở Đặc Biệt mạnh về diễn (hơn là nói) so với các vlogger khác. Một cảnh trong vlog Chuyện công sở
Phở Đặc Biệt mạnh về diễn (hơn là nói) so với các vlogger khác. Một cảnh trong vlog Chuyện công sở
TP - Video blog (vlog) du nhập vào Việt Nam trong vòng ba năm trở lại đây, tiên phong là các du học sinh. Một số người làm vlog (vlogger) tới nay đã nổi tiếng trong giới trẻ, được nhiều thương hiệu mời quảng cáo. Phở Đặc Biệt (tên thật: Tô Bửu Phát) thậm chí chủ động phát huy thế mạnh này của vlog. Tận dụng tiếng tăm đã có, anh chuyển mạnh sang làm các clip quảng cáo. Cuộc trò chuyện với vlogger sinh năm 1991 hé mở thế giới biến ảo của vlog Việt.

Lúc bắt tay vào làm vlog, bạn có xác định nó sẽ là công việc của mình?


Không, tôi chỉ làm chơi thôi. Nhưng càng ngày càng nhiều quảng cáo. Xác định lâu dài luôn. Chúng tôi bắt đầu với nhóm 3 người chứ không một mình như các vlogger khác

Lý do chọn tên Phở cho dòng vlog của mình?

Vì cả hội cùng thích ăn phở nên đặt tên đấy cho lạ. Tuy vậy, sản phẩm của nhóm nhiều người nhiều kiểu khác nhau.

Sau này có một nhóm tên là Bún, bạn có biết không?

Tôi không để ý lắm.

Tưởng là giới làm vlog biết nhau hết?

Trong giới vlog, tôi chơi với JV (JVevermind), Toàn Shinoda, Huyme, An Nguy. Vậy thôi.

Đó cũng là những người xuất hiện cùng bạn trong một số vlog có yếu tố quảng cáo. Dường như thị trường vlog đang phát triển sôi động?

Hé mở thế giới biến ảo của vlog Việt. ảnh 1 Vlogger Phở Đặc Biệt

Không, cứ theo lượt xem thì bây giờ xuống rồi. Việt Nam mà, không trung thành với một loại hình nào đó. Người ta bắt đầu không quan tâm nhiều đến vlog như trước.

Bạn có cách nào để tiếp tục thu hút sự chú ý của khán giả?

Tôi có hướng đi riêng. Tôi có công ty, làm nhiều thứ khác. Còn các bạn đi một mình nên thường hay lười biếng hay sao đó. Chúng tôi xác định tháng này ra cái gì, tháng sau làm cái gì. Tôi có mục tiêu. Thường các bạn có khi có việc riêng, làm vlog tùy hứng, tôi nghĩ vậy.

Theo bạn còn nguyên nhân nào khác khiến thú chơi này đi xuống?

Thí dụ mình làm một cái gì đó quá hay rồi thường hay bị mọi người so sánh, cái này chán hơn cái trước. Ý tưởng ngày càng khó kiếm. Đâu phải làm hay mãi được. Cái gì cũng phải có kết thúc thôi. 

Sản phẩm của các vlogger Việt Nam có loại độc thoại, có loại bắt chước bản tin truyền hình, có loại như phim ngắn… Theo bạn thì vlog có bao nhiêu loại?

Của tôi cũng không hẳn là dạng vlog, tôi là dạng clip. Từ khi bắt đầu làm chủ đề sự khác biệt (chẳng hạn sự khác biệt giữa con trai với con gái, giữa Sài Gòn với Hà Nội…), nhiều nhóm khác bắt đầu làm theo. 

Còn vlog đúng ra là giống như anh Toàn hay JV ngồi độc thoại nói lên suy nghĩ, ý kiến cá nhân của mình về một vấn đề, sự kiện gì đó. Còn tôi làm dạng clip nêu tình hình chung của xã hội theo hướng hài hước. Tôi không có kiểu cá nhân hóa, mà muốn tăng tính cộng đồng. Tôi diễn tả bằng hình ảnh, chứ không nói như các bạn. 

Ngày của một doanh nhân-vlogger diễn ra như thế nào?

Tôi học thêm diễn xuất tại lớp học do chính công ty tôi tổ chức. Tôi lên kịch bản, chuẩn bị đạo cụ quay dự án sắp tới, cùng mọi người dựng clip...

Tất cả những người xuất hiện trong clip đều được trả cát-xê?

Các bạn có lương hằng tháng. Làm công ty mà. 

Trong số đó, có ai được đào tạo bài bản về diễn xuất hay phim ảnh?

Không. Mọi người đều là tay ngang hết. Anh quản lý của tôi học trường luật chứ không phải đạo diễn. Anh quay phim là nhà thiết kế. Tôi học công nghệ thông tin. 

Có tố chất của một diễn viên hài, đã khi nào bạn được diễn show?

Không bao giờ. Dù có tôi cũng không nhận. Vì tôi không kiếm tiền bằng mấy cái đó. Tôi thích bán chất xám hơn là đi làm hài. 

Mọi người thường bắt đầu bằng vlog nhưng về sau đá sang tiểu phẩm hài để thu hút người xem. Bạn có nghĩ chính cái đó làm mất sự riêng biệt của vlog?

Bày tỏ quan điểm theo kiểu hài hước hoặc kiểu gì tùy mình, nhưng vlogger không phải là diễn viên- diễn theo cảm xúc nhân vật, theo kịch bản. Vlogger thể hiện bản thân, chứ không cố tạo ra cái gì đó để cười, như thế vô duyên quá. Những gì mình nói ra là mình đã trải qua, còn những cái chưa bao giờ trải qua, tôi không thể có ý kiến về nó.

Khán giả mong chờ được cười và các vlogger dần trở thành các diễn viên hài. Bạn nghĩ sao về điều này?

Khán giả cứ nghĩ vlog là để gây cười. Nhưng từ từ mình sẽ làm họ hiểu. Mình định hướng tích cực cho bọn nhỏ. Mình làm mấy vấn đề xã hội như đa cấp, giựt đồ, không quan tâm bố mẹ… 

Họ coi, họ hiểu, sẽ tự nhìn lại bản thân mình xem đã làm được gì và họ sẽ đi theo chiều hướng tốt. Có thể 10 người coi, 1 người thay đổi, mình đã vui rồi. Khi họ gửi thư cảm ơn thì mình thấy mình làm được. Tôi muốn làm cái gì đó ý nghĩa, hơi chậm một tí để họ nhận ra mọi thứ tôi muốn nói, chứ cười thì nhanh quên lắm.

Liệu có một ngày nào đó sẽ xuất hiện khóa học làm vlog?

(Cười) Cái đó là tự thể hiện bản thân chứ, ai mà dạy… Nước ngoài họ có cái này lâu lắm rồi. Hằng ngày họ nói cái gì đó, đưa lên, không cần biết ai coi hay không. Thường là chỉ để làm kỷ niệm thôi.

Và họ nói bình thường chứ không tỏ ra hài hước, duyên dáng?

Vâng, nhưng mấy cái đó tự nhiên lại mắc cười, do cách họ dựng nữa, chứ không phải do họ diễn, tô son trát phấn này nọ. Vlogger nổi tiếng nước ngoài 1-2 tuần ra một clip toàn vấn đề xàm nhưng lại vui, thu hút cả triệu view. Nói chung những vấn đề xã hội mình nên nghĩ theo hướng tích cực, nghĩ thoáng tí mới gây cười được. 

Các vlogger được chú ý ở Việt Nam hay pha vào clip của mình những tình tiết có yếu tố tình dục, vài câu đùa tục… Nhiều khi tôi cảm thấy nó cũng hơi nhảm nhảm…

Tại ngoài đời mình cũng nói tục thì vào vlog chuyện đó cũng bình thường thôi, không quá phản cảm là được. 

Ở nước ngoài, vlog là chuyện của cá nhân mà. Ở Việt Nam bị làm quá lên, các vlogger là cái gì lạ lẫm, được báo mạng cập nhật tình hình thường xuyên. Họ tôn lên thì mình vui, nhưng lúc mà mình trật tí là bị chửi, kiểu vậy. 

Bạn nói Toàn là nghiêm túc trong số các vlogger có tiếng ở Việt Nam, nhưng tôi xem clip về chuyện công sở thấy Toàn (trong vai sếp) diễn tục ra phết?

Không cái đó là của người khác mời Toàn thôi. Kiểu đó tôi không thích lắm.   

Xuất hiện kiểu đó không khỏi ảnh hưởng đến hình ảnh riêng của vlogger?

Thì đó, tại họ không có công ty định hướng, thì vậy thôi.

Định hướng của các bạn là gì?

Chuyên nghiệp. Tại bọn tôi muốn mở công ty làm clip quảng cáo trên mạng và tivi. Tôi định hướng lâu dài như vậy, chứ không phải biến mình thành một diễn viên vớ vẩn. Lúc người ta thích mình thì vậy, chứ cỡ 2-3 năm nữa- hết! Mấy cái này là trải nghiệm để tôi lấy kinh nghiệm sau này làm chuyện của tôi.

Tôi thấy càng ngày các clip của bạn càng lộ rõ ý đồ quảng cáo?

Tại có mấy bạn biên tập mới vẫn chưa quen với công việc, vẫn bị sợ khách hàng quá. Tôi đang cải tổ lại đội hình.

Mấy clip quảng cáo cho nước giải khát hay phầm mềm điện thoại… đều có bạn diễn xuất trong vai trò chính đấy chứ?

Mấy cái đó là clip quảng cáo riêng. Còn mấy cái Phở 1,2,3,4… tôi không để quảng cáo lộ quá, với lại họ cũng trả ít tiền hơn nữa. Nếu clip quảng cáo riêng cho hãng đó thôi thì tôi mới làm lộ. Họ lấy clip đó về làm PR cho họ. Còn kịch bản của tôi thì phải theo ý tôi.

Như thế giống như sự trà trộn vì người xem làm sao biết cái nào là vlog của bạn, cái nào là bạn làm quảng cáo?

Có thể phân biệt được mà. Chính thức của tôi là có đánh số, cả năm trời giờ mới có 12 cái. Còn mấy cái linh tinh khác đâu có số đâu.

Các vlogger hay yêu nhau, bạn thế nào?

Tôi có bạn gái rồi. Bí mật. Tôi không muốn rùm beng, kỳ quá.

Gia đình nghĩ sao về lựa chọn công việc của bạn?

Ban đầu không thích lắm, về sau OK.

Bây giờ bạn đã cảm thấy mình như người nổi tiếng khi ra đường?

Dạ không. Tôi thấy nhiều người quý thì vui thôi chứ nổi tiếng chắc không bằng mấy anh showbiz. Hôm qua, trên máy bay cũng có mấy cô chú nói, con họ coi tôi thì họ biết. 

Bạn có lời khuyên gì với các bạn trẻ đang háo hức muốn làm “nghề” vlogger?

Đừng có quan trọng hóa cái này. Mình làm vì mình thích sẽ hay hơn gọi nó là nghề. Cái này là trò chơi, để mình tập thể hiện cái tôi, khả năng giao tiếp xã hội. Đừng có quá tự phụ mình làm mấy clip vớ vẩn trên mạng, mình nổi tiếng, mình tự cao hay sao đấy. 

Mình cứ là mình đi, mình làm công việc mình tốt trước, rồi làm mấy cái này phục vụ mọi người vui thôi. Chứ đừng quá coi nó là cái gì quan trọng, kinh khủng. Mấy bạn trẻ cũng nhắn tin Facebook kêu tôi chỉ này nọ. Tôi cũng chả biết, vì từ đó đến giờ đâu ai chỉ tôi gì đâu. Tôi toàn tự mày mò. Cũng chỉ biết hướng dẫn họ lên mạng tự coi, coi nhiều rồi biết mình nên làm gì…

Ai hoặc cái gì gây cảm hứng khiến bạn bắt tay vào làm vlog?

Hình như là… không. Tại tôi coi nước ngoài làm thấy hay. Người mà tôi thấy hay nhất trên mạng là ở nước ngoài. 

Các vlog nước ngoài có phổ biến mô hình kiếm tiền bằng từ đấy lập công ty quảng cáo như bạn đang làm?

Họ cũng chơi chơi vậy thôi. Kiếm tiền bằng YouTube

Thu nhập của bạn từ YouTube so với từ quảng cáo đem lại, bên nào nhiều hơn?

Nếu ở nước ngoài thì thu nhập YouTube cao hơn. Còn YouTube chưa vào Việt Nam nên tiền trả không được mấy.

Sự ra đi đột ngột của Toàn Shinoda ở tuổi 27 khiến người ta chú ý hơn đến những gì mà chàng cựu du học sinh Mỹ đã đóng góp cho cộng đồng mạng và xã hội nói chung qua hình thức vlog. Các vlogger vốn chỉ nổi tiếng trong giới trẻ đang bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn. Không chỉ kiếm được tiền từ thú chơi của mình, họ còn đại diện cho tiếng nói của một thế hệ và có ảnh hưởng nhất định trong một bộ phận người trẻ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.