>> Bất lực với giá điện, nước ở nhà trọ
Dự báo năm nay, cả nước thiếu hơn 2 tỷ kWh, trong khi năm 2010 thiếu hơn 1 tỷ kWh. Năng lượng điện như chiếc chăn hẹp, co đầu này hở đầu kia và chuyện cắt điện năm nay sẽ trầm trọng hơn năm 2010.
Cho đến nay, chưa ai tính việc cắt điện gây thiệt hại như thế nào cho nền kinh tế, nhưng nhìn từ một doanh nghiệp cụ thể, thiệt hại cho cả mùa bị cắt điện rất lớn, tốn kém cả tỷ đồng (chi phí đầu tư máy phát điện, thiệt hại do sản xuất bị đình trệ...). Nếu cộng dồn từng doanh nghiệp sản xuất, từng chủ vuông tôm, vì mất điện mà tôm chết... thì thiệt hại là cực lớn.
Thậm chí, những thiệt hại đôi khi không tính được bằng tiền, bởi ở một góc độ nào đó, việc cắt điện triền miên, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt nên dễ gây bức xúc cho người dân (nhất là khi nắng nóng). Do vậy, việc cắt điện còn ảnh hưởng đến lòng tin và tín nhiệm của người dân với chính quyền.
Lâu nay, trong điều hành kinh tế vĩ mô, Đảng, Nhà nước đều có những chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển cho từng giai đoạn (từ 5 năm đến 20 năm, thậm chí xa hơn). Riêng lĩnh vực điện năng, Chính phủ cũng có những quy hoạch khá cụ thể (các Tổng sơ đồ điện) về kế hoạch xây dựng phát triển nguồn điện, đáp ứng nhu cầu điện năng cho nền kinh tế. Nhưng vì sao vẫn thiếu điện?
Thực tế, nhìn lại việc triển khai thực hiện các Tổng sơ đồ điện được Chính phủ phê duyệt, phần lớn đều chậm từ 2-3 năm. Còn nhìn vào từng dự án phát triển nguồn điện, hầu như rất ít nhà máy xây dựng đảm bảo đúng tiến độ đã phê duyệt.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, trên thế giới, một nhà máy nhiệt điện chỉ xây dựng khoảng 36 tháng. Ở ta hàng loạt nhà máy bị chậm tiến độ, có nhà máy 6 năm mới xong, nhưng cũng không ai chịu trách nhiệm. Kéo theo, việc thiếu điện của cả quốc gia, cũng không ai chịu trách nhiệm.
Một nguyên nhân khác, từ năm 2004, Quốc hội đã ban hành Luật Điện lực (có hiệu lực từ 1-7-2005), xác lập hành lang pháp lý để phát triển thị trường điện lực, dần xóa bỏ độc quyền trong phát triển nguồn và kinh doanh điện.
Tuy nhiên, cho đến nay, thế độc quyền trong lĩnh vực này vẫn được ngành điện duy trì dai dẳng. Đến nỗi, mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phải đặt mốc thời gian từ tháng 7-2011, Bộ Công Thương phải xây dựng được hành lang pháp lý để phát triển thị trường điện cạnh tranh. Như vậy, nếu rốt ráo, thì để có được thị trường điện cạnh tranh, ít cũng phải mất vài năm.
Có lẽ hiếm có nước nào trên thế giới, mà khách hàng phải chung chi cho cán bộ ngành điện mới được kéo điện. Vụ một doanh nghiệp tại Kiên Giang phải chung chi hơn trăm triệu đồng cho lãnh đạo Chi nhánh điện huyện Rồng Giềng để được kéo điện năm 2010 bị công an khởi tố là ví dụ.
Độc quyền gắn với đặc quyền, đó là lý do khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa, thậm chí không muốn xoá thế độc quyền. Bởi thế mà năm 2009, Bộ Công Thương đề xuất "Tái thiết kế tổng thể thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện" , một đề án được nhiều chuyên gia đánh giá là tiến bộ, lại bị chính lãnh đạo EVN phản đối. Hậu quả của độc quyền, chính là tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng hơn.
Việt Nam đã có bài học trong việc phá thế độc quyền với thị trường viễn thông (mạng di động và mạng internet), kết quả là người dân, Nhà nước đều hưởng lợi, với giá dịch vụ ngày càng rẻ. Cho nên chừng nào chưa có thị trường điện cạnh tranh, chừng nào còn vị thế độc quyền của EVN, thì khi đó Việt Nam còn thiếu điện.
Bá Kiên